Sát cánh cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19
Cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu | |
Doanh nghiệp hàng thiết yếu muốn gia hạn nợ | |
“Bắt mạch” rủi ro trái phiếu doanh nghiệp |
Nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp
Thông tin tại Tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19”, ông Phan Bình Tuy - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua các tỉnh thành phía Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Vì thế, một số doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện phải dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, không đến lấy hàng tại các cảng.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp giao nhận hàng hóa gặp khó khăn trong lưu thông, thiếu lực lượng làm dịch vụ khai báo, giao nhận, thiếu lái xe container, thiếu hụt nhân công bốc xếp hàng tại cảng dẫn đến số lượng hàng hóa tồn đọng ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại cảng Cát Lái.
Cơ quan hải quan sát cánh cùng doanh nghiệp để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng |
Theo ông Tuy, trên 90% công suất của cảng đã được sử dụng, nếu tình trạng này kéo dài, cảng Cát Lái sẽ hết sức chứa và có thể dừng nhận hàng, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Tại Bình Dương, ông Nguyễn Trường Giang - Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động do có ca F0 nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng gián đoạn. So sánh số lượng tờ khai từ 15/7 - 15/8 đã giảm 42%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trên 32% so với giai đoạn 1 tháng trước đó.
Hàng năm hải quan Bình Dương làm thủ tục cho trên 6.000 doanh nghiệp, có trên 2.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động, thì hiện có trên 600 doanh nghiệp đã bị ngừng hoạt động.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Đào Duy Tám - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải quan đã thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn như: Cho phép doanh nghiệp nộp bản scan một số giấy tờ thủ tục theo quy định thay vì phải nộp bản chính, để doanh nghiệp có thể thực hiện thông quan hàng hóa ngay và nộp giấy tờ bản chính sau khi thông quan; lập tổ hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo thông quan ngay trong ngày.
“Đặc biệt, cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan đang ùn ứ tại cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển/cảng cạn trong cùng hệ thống cảng biển của tổng công ty trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa tình trạng ùn tắc, quá tải tại cảng Cát Lái. Qua đó hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp được thực hiện thủ tục nhận hàng hóa ngay tại các đơn vị hải quan trên địa bàn do doanh nghiệp đóng trụ sở mà không phải di chuyển đến TP.Hồ Chí Minh để nhận hàng”, ông Đào Duy Tám thông tin.
Tổng cục Hải quan cũng có công văn gửi cơ quan hải quan địa phương xem xét không xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp chậm làm thủ tục hải quan trước tình trạng doanh nghiệp không thể nhận hàng vì lý do bất khả kháng. Đối với trường hợp hàng hóa đưa về bảo quản, tạm thời chưa thực hiện hoạt động kiểm tra việc bảo quản hàng hoá mà quá thời hạn 30 ngày doanh nghiệp chưa nộp các chứng từ theo quy định. Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các tỉnh biên giới phía Bắc nhanh chóng thông quan, đảm bảo chất lượng sản phẩm hoa quả nông sản.
Doanh nghiệp “khỏe” thì hàng hóa mới lưu thông
Tuy nhiên theo phản ánh của các doanh nghiệp và nhà quản lý, vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong gian đoạn tới.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn mong muốn, các chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho doanh nghiệp đang hoạt động và tái hoạt động các doanh nghiệp đang ngừng sản xuất, giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan nhanh chóng nhất. Đồng thời, cần tạo nguồn lao động “sạch” cho doanh nghiệp qua việc đẩy nhanh tiêm vaccine. “Chỉ khi doanh nghiệp “khỏe” thì mới giải quyết được vấn đề tồn đọng hàng hóa tại các cảng”, ông Nam cho biết.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cũng đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động. Cụ thể là hỗ trợ chi phí phát sinh, đặc biệt khi chi phí logistics đang tăng cao. Với doanh nghiệp buộc ngừng hoạt động, không đi nhận hàng được thì xem xét giảm chi phí lưu kho lưu bãi.
Chiếm tới 60% lượng container trên cả nước và 90% lượng container ở phía Nam, Cát Lái là cảng có lưu lượng hàng hóa lớn nhất Việt Nam, chính vì vậy cần tránh gây ùn tắc tại cảng này. Ông Đào Duy Tám cho biết, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện kiểm kê, phân loại hàng hóa tại cảng theo đúng quy định của pháp luật. Với các lô hàng đã được hãng tàu thực hiện giao cho chủ hàng thì sẽ cho phép chủ hàng vận chuyển đến cảng khác để làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Đồng thời để đảm bảo lưu thông hàng hóa tốt nhất, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị hải quan các tỉnh và hãng tàu, nhanh chóng thông báo tới các hãng tàu khi ùn tắc để có sự điều tiết, kế hoạch tiếp nhận tàu, vận chuyển hàng hóa hợp lý.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Nam - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, đã triển khai nhiều đợt xét nghiệm, tổ chức tiêm vaccine cho hơn 90% cán bộ, công nhân, người lao động tại cảng Cát Lái. Đồng thời tăng tốc độ giải phóng container hàng nhập khẩu ra khỏi cảng; vận động doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ lấy hàng về kho.
Cùng với việc chủ động hợp tác với các cảng bạn trong khu vực, trong tình huống cảng Cát Lái thật sự ùn tắc sẽ có phương án xử lý kịp thời, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định sẽ không để ùn tắc tại cảng Cát Lái, cố gắng hết sức để sát cánh cùng doanh nghiệp đảm bảo dòng chảy xuất nhập khẩu được thông suốt.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)