Doanh nghiệp hàng thiết yếu muốn gia hạn nợ
Để tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa
Theo FFA, trong Thông tư 03/2021/TT-NHNN có một điểm là gia hạn nợ cho các khoản vay giải ngân trước ngày 10/6/2020, trong khi các doanh nghiệp lương thực thực phẩm ở TP.HCM thường vay vốn ngắn hạn từ 4-6 tháng. Theo đó, những khoản dư nợ của các doanh nghiệp lương thực thực phẩm hiện nay đều là vốn vay giải ngân từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021 đến nay. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn NHNN sửa đổi theo hướng gia hạn nợ cho các doanh nghiệp để nhận được hỗ trợ về tài chính trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng hiện nay.
Trước đó, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm mong muốn được đưa vào diện hỗ trợ trong chính sách miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng. Các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cho rằng, thời điểm này họ cần được hỗ trợ nhất, hơn lúc nào hết để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân TP.HCM trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các doanh nghiệp này được hỗ trợ tài chính sẽ hạn chế được tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu. Trong khi lương thực, thực phẩm luôn chiếm 40% tổng số các mặt hàng tính chỉ số giá tiêu dùng trong nhiều năm trở lại đây.
Ảnh minh họa |
Tính đến thời điểm đầu tháng 8/2021, một số doanh nghiệp thực phẩm chủ lực của TP.HCM vẫn giữ được năng lực sản xuất chế biến gia cầm, gia súc ở mức 100-200%. Tuy nhiên, các nhóm mặt hàng như thủy sản chế biến, mỳ gói, gia vị… năng suất chỉ đạt từ 40-70% so với thời điểm bình thường.
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong thời dịch bệnh Covid-19, trong đó có các công ty lương thực, thực phẩm của thành phố, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP.HCM ghi nhận những đề xuất kiến nghị từ FFA để tổng hợp báo cáo với NHNN Việt Nam về sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-NHNN về thời điểm được tính gia hạn nợ nhằm tạo điều kiện sớm nhất cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp ngành lương thực.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, NHNN chi nhánh TP.HCM vừa gửi văn bản đến UBND thành phố, đề nghị Sở Công thương phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua chương trình kích cầu đầu tư của thành phố hoặc qua chương trình bình ổn thị trường, giới thiệu đến các NHTM tiếp cận vốn vay như đã và đang cho vay đối với chương trình này.
Đồng thời, FFA thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phản ánh cụ thể khó khăn vướng mắc nhu cầu vốn để thu mua và dự trữ nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, quan hệ tín dụng hiện nay của doanh nghiệp. Theo đó, NHNN chi nhánh TP.HCM sẵn sàng phối hợp thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp có vốn nhanh nhất trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Gia tăng kết nối hỗ trợ doanh nghiệp
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành Ngân hàng đã đi tiên phong trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra. Song song với đó, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD còn tích cực cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, đến nay đã có 243.853 tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 132 ngàn khách hàng, số tiền miễn giảm lãi đạt 3.350 tỷ đồng cho trên 49 ngàn khách hàng, cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 với doanh số đạt 1.176.026 tỷ đồng cho 179.488 khách hàng.
Từ đầu năm đến nay 11 TCTD ở TP.HCM thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã giải ngân được 173.427 tỷ đồng cho 16.075 khách hàng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ…
Theo NHNN thành phố, đến đầu tháng 8/2021 đã tiếp nhận 805 trường hợp gửi về từ các sở ngành quận huyện và thành phố Thủ Đức và kiến nghị thông qua đường dây nóng của NHNN thành phố đã cơ bản giải quyết xong.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay lại càng cần tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ về tiền tệ, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ về cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất và tiếp tục cho vay mới để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp duy trì, ổn định và phục hồi vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
NHNN chi nhánh TP.HCM cũng cam kết sẽ tăng cường phối hợp với sở ngành, UBND quận, huyện và hiệp doanh nghiệp thành phố để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời khó khăn của doanh nghiệp.