Sự bùng phát của coronavirus còn gây chia rẽ Mỹ - Trung hơn là chiến tranh thương mại
"Chúng tôi đã đề cập đến việc chia rẽ Mỹ - Trung. Thì coronavirus đẩy nhanh quá trình này hơn cả cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia, khi các doanh nghiệp buộc phải nghĩ về mô hình chuỗi cung ứng của họ trong chặng đường dài sắp tới", Curtis Chin, một thành viên gốc châu Á tại Viện Milken, nói, gọi đó là sự gia tăng mất liên kết giữa hai nền kinh tế.
"Không thể tất cả hàng hóa và dịch vụ đều đến từ Trung Quốc, chúng tôi đã thấy một số hậu quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào chỉ một thị trường trọng điểm", ông nói với CNBC tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Đông và Châu Phi của Viện Milken ở Abu Dhabi hôm thứ Ba.
Hai cường quốc trên thế giới đã phải đối mặt với nguy cơ chia rẽ khi chiến tranh thương mại bắt đầu vào năm 2018, để rồi nóng dần lên và dẫn đến hàng tỷ đô la thuế quan áp đã được áp đặt lên nhau. Các vấn đề nổi lên bao gồm việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ cưỡng bức.
Vào năm ngoái, Nhà Trắng đã cân nhắc một số hạn chế về đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc như hủy bỏ các mã chứng khoán Trung Quốc tại Mỹ. Trong lĩnh vực công nghệ, quan hệ giữa các nước cũng dần xấu đi và Trung Quốc được cho là bắt đầu nỗ lực loại bỏ việc sử dụng công nghệ Mỹ .
Chin cho biết: "Thực tế là các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, từ chuỗi cung ứng đến dòng vốn đầu tư và thương mại, sẽ đan xen trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng coronavirus đã lưu ý Mỹ cũng như tất cả các đối tác thương mại và đầu tư của Trung Quốc về giá trị của việc đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc".
Nomura - công ty tài chính của Nhật Bản - trong một ghi chú vào thứ Ba đã lưu ý vai trò của Trung Quốc trong hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, người khổng lồ châu Á đóng góp tới 12% thương mại toàn cầu vào năm ngoái. Chuỗi cung ứng của nhiều công ty, bao gồm các doanh nghiệp Mỹ, hiện phụ thuộc rất nhiều vào ngành sản xuất của Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với các vòng tăng thuế quan trả đũa của nó đã tác động mạnh đến một số nền kinh tế ở châu Á, khi các công ty tìm cách chuyển hướng dòng chảy thương mại để tránh thuế. Vì thế, cũng đã có người chiến thắng.
Sự bùng phát của dịch bệnh, khởi đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, một lần nữa làm đảo lộn chuỗi cung ứng, khi các thành phố Trung Quốc bị đóng cửa, hạn chế vận chuyển và các nhà máy tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài hơn dự kiến ban đầu.
Nhiều nhà sản xuất ô tô đã bị buộc phải đóng cửa tạm thời các nhà máy của họ ở Trung Quốc khi chính phủ nước này nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Các nhà máy ở Trung Quốc của Foxconn - nhà cung cấp lớn nhất của Apple - hiện vẫn chưa trở lại sản xuất hoàn toàn, và các nhà phân tích dự đoán việc giao các lô hàng iPhone sẽ bị chậm trễ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng sự bùng phát dịch bệnh chết người ở Trung Quốc có thể tác động tích cực với nước Mỹ khi khiến các doanh nghiệp xem xét lại mô hình chuỗi cung ứng của họ - và trả lại công việc và nền sản xuất cho Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp đẩy nhanh việc tăng việc làm ở Bắc Mỹ", ông nói vào cuối tháng 1. "Một phần trong đó sẽ dành cho Mỹ, một phần cho Mexico".
Tuy nhiên, một ảnh hưởng khác của sự bùng phát dịch bệnh đang diễn ra là nó mang lại cho cả hai cường quốc một lối ra cho thỏa thuận giai đoạn một mà họ vừa ký, Chin chỉ ra.
"Trên nhiều khía cạnh, mọi thứ giờ đây đang bị đóng băng. Tôi không nghĩ các nhà đàm phán sẽ từ Bắc Kinh đến Washington vào thời điểm này", ông nói.
"Thật thú vị, khi chúng ta nghĩ về thỏa thuận giai đoạn một ... theo cách mà coronavirus mang lại lối thoát cho cả hai bên. Bởi nếu các cam kết trong thỏa thuận không được thực thi sớm, thì điều đó cũng đồng nghĩa với tác động tiêu cực từ một loại coronavirus", Chin nói thêm.
Cả hai nước đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/1, trong đó có việc Trung Quốc cam kết mua ít nhất 200 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ trong hai năm, bao gồm hàng hóa sản xuất, thực phẩm, nông nghiệp, sản phẩm năng lượng và dịch vụ.