Sức mua tăng trở lại, bán lẻ khởi sắc nhưng vẫn lo
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong đó có bán lẻ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tăng lần lượt là 69,3% và 324,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,6% và năm 2021 tăng 6,1%).
Ảnh minh họa |
Ghi nhận tại một số siêu thị, hoạt động mua sắm của người dân đã tăng mạnh trở lại sau đại dịch, khác với khung cảnh vắng vẻ khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt hoạt động mua sắm tại các siêu thị rất tấp nập trong các dịp lễ như 30/4 - 1/5 vừa qua. Đại diện hệ thống BigC, MM Mega cho biết, đến nay lượng khách hàng đến mua sắm tăng mạnh. Sức mua hiện nay ngang bằng, hoặc có thời điểm cao hơn lúc chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong dài hạn, HSBC Global Research (HSBC) dự báo, Việt Nam có thể trở thành một trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030, vượt qua Thái Lan, Anh, Đức, nhờ thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên đáng kể trong thập kỷ tới. Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ) cũng dự báo tăng trưởng của nhóm MAC (tầng lớp trung lưu và khá giả) tại Việt Nam có thể đạt 11,4%/năm, là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tuy tốc độ đô thị hóa vẫn còn thấp, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, các thành phố thứ cấp sẽ trở thành động lực chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thay vì các thành phố lớn.
Triển vọng ngành bán lẻ Việt trong dài hạn là điều dễ dàng nhận thấy, tuy nhiên những khó khăn trước mắt vẫn đang khiến các doanh nghiệp bán lẻ đau đầu. Cụ thể là các loại nguyên vật liệu, hàng hoá đầu vào đang tăng cao theo mức tăng của giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp chật vật trong bài toán bình ổn giá cả, giữ sức mua của người dân.
Đại diện một siêu thị cho biết, đang nỗ lực giữ giá nhờ vào các hợp đồng dài hạn đã ký trước đó với các nhà cung cấp, vì vậy những thay đổi ngắn hạn về giá xăng có thể sẽ không tác động đến giá cả hàng hoá trong thời điểm trước mắt.
Hiện trên hầu hết kệ hàng của các siêu thị vẫn tràn ngập các sản phẩm khuyến mãi, nhất là đối với các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng khi mùa hè đã bắt đầu. Một số siêu thị còn kích cầu tiêu dùng bằng nhiều biện pháp như miễn phí vận chuyển cho hóa đơn từ 300.000 đồng trở lên.
Nhiều nền tảng thương mại điện tử cũng bắt đầu lễ hội mua sắm hè với ưu đãi giảm đến 50% hàng triệu sản phẩm, miễn phí vận chuyển 0 đồng trên toàn quốc, hàng trăm nghìn voucher giảm giá cùng loạt hoạt động giải trí.
Dù nỗ lực bình ổn giá nhưng theo các nhà bán lẻ, với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu, căng thẳng chính trị Nga - Ukraine... việc bình ổn giá cả từ nay đến cuối năm trở nên khó khăn hơn.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phân tích, xăng dầu là chi phí đẩy mạnh nhất cho việc giá hàng hóa tăng lên trong thời gian vừa qua, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng của sản xuất và lưu thông hàng hóa và tiêu dùng. Chính vì vậy, những tác động của việc tăng giá xăng dầu làm cho giá hàng hóa, dịch vụ, ăn uống tăng lên là tất yếu, không thể tránh khỏi.
Xăng dầu tăng giá trong lúc doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nặng nề qua hai năm đại dịch, chính vì vậy, một số doanh nghiệp sản xuất bán lẻ cố kìm giá bán để thu hút sức mua tiêu dùng, song cũng chỉ là tạm thời bởi tăng giá là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh cần có sự tăng giá hợp lý để không ảnh hưởng tới sức mua của thị trường.
Với việc tăng giá xăng dầu chưa có dấu hiệu dừng lại, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục cân nhắc các biện pháp về thuế, phí để ngăn đà tăng giá xăng dầu. Điều này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà cũng là kích cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân. Cộng với các yếu tố khác như nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất phân phối hàng hoá, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho các doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ khác cho cả người dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ ngành bán lẻ phát triển đúng với tiềm năng.