Tái cơ cấu EVN: Hướng đến thị trường minh bạch và cạnh tranh
Khó khăn chưa từng có
Trong thời điểm khó khăn này, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đang đứng trước yêu cầu tất yếu là đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý, vận hành để phù hợp với tình hình mới.
Hiện nay, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao đang là yếu tố khiến lợi nhuận của EVN bị “ăn mòn”, khiến doanh nghiệp gặp phải những thách thức chưa từng có về tài chính. Trong báo cáo gửi Bộ Công thương gần đây, EVN cho biết, trong hai năm (2022-2023), EVN lỗ hơn 93 nghìn tỷ đồng, trong đó năm nay lỗ gần 65 nghìn tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện bình quân vẫn như hiện nay.
Cần đồng bộ tái cơ cấu ngành năng lượng nói chung với tổng thể nền kinh tế. |
Để vượt qua khó khăn, EVN đã tiết giảm nhiều chi phí sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa dòng tiền, thực hiện thu cổ tức các công ty, tối ưu vận hành hệ thống điện, điều phối mua nguyên liệu từ nguồn giá rẻ... cố gắng giảm lỗ. Dù vậy, cũng không thể bù đắp được các chi phí đầu vào tăng quá lớn. Với tình hình tài chính hiện nay, tập đoàn gặp khó trong cân đối dòng tiền, trong huy động vốn để đầu tư các dự án khiến ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và việc đảm bảo cung cấp điện.
Theo các chuyên gia, về bản chất, EVN vẫn là một doanh nghiệp và đang phải “gánh” rất nhiều trọng trách. Ngoài nhiệm vụ chính là bảo đảm cung ứng điện cho đất nước, EVN còn phải vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam; đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện xuất - nhập khẩu điện khi cần thiết; thực hiện chính sách công ích của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; tham gia rà soát, góp ý, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…
Do đó, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, EVN rất cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý, vận hành. Về phương hướng tái cơ cấu, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030, trong đó kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng. Đối với EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025, trong đó đề nghị để EVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính và tăng cường công tác quản trị tài chính tại EVN; xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phù hợp với từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển…
Tái cơ cấu phải được thực hiện hiệu quả
Bàn về các giải pháp để thực hiện tái cơ cấu, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, trong năm 2023, công tác thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cần quyết tâm thực hiện có hiệu quả để vượt qua những khó khăn bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại EVN, cũng như vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết. Các tổng công ty cần quan tâm, hoàn thành các nhiệm vụ về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là một trong những yếu tố thúc đẩy nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đồng thời sử dụng kết quả của chuyển đổi số để xây dựng các phương án tăng doanh thu dịch vụ. Các tổng công ty tiếp tục triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ công tác sắp xếp, tái cơ cấu tổ chức đã được EVN phê duyệt như: Đề án mô hình tổ chức theo hướng quản trị tập trung, mô hình tổ chức và định biên lao động các tổng công ty; xây dựng các đề án, nội dung về sắp xếp, tái cơ cấu trình EVN phê duyệt để triển khai thực hiện...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù không còn độc quyền ở khâu phát điện, song EVN vẫn chi phối phần lớn tổng công suất nguồn (chiếm khoảng 45,36% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống) và nắm giữ toàn bộ các khâu còn lại như truyền tải, phân phối điện. Do đó cần sớm thực hiện tái cơ cấu ngành điện, tách các khâu phát điện, truyền tải, mua - bán điện, phân phối, kinh doanh điện.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất, khâu phân phối điện phải thuộc quyền quản lý của Nhà nước để bảo đảm an ninh năng lượng và phải giao cho cơ quan hay doanh nghiệp công ích phi lợi nhuận quản lý, tách hẳn với doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận. Còn khâu sản xuất và cung ứng điện cần được triển khai thông qua các hợp đồng điện được đấu giá công bằng, minh bạch, có độ ổn định và hiệu lực pháp lý cao nhất.
Cùng chung nhận định này, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong chia sẻ, Việt Nam cần có thị trường mua bán điện đúng nghĩa, bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Có thể hình dung là Nhà nước đầu tư làm hạ tầng truyền tải điện, các doanh nghiệp sản xuất điện thuê tải điện bán cho người tiêu dùng, giá được thỏa thuận giữa hai bên… Điều này sẽ giúp giảm bớt các khâu trung gian, giảm chi phí và cũng là cách thúc đẩy đầu tư tư nhân vào ngành điện, giảm tối đa yếu tố độc quyền mua bán điện.
Đặc biệt, cần sớm có giải pháp để khắc phục khó khăn đã gặp phải trong những lần tái cơ cấu trước đó. Theo đại diện EVN, trong lần tái cơ cấu trước đó, EVN trở ngại do giá điện hiện chưa thật sự chuyển theo cơ chế thị trường, chưa tạo được động lực thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả; khó bảo đảm cùng lúc hai yêu cầu bảo toàn vốn cùng với thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành đúng thời hạn…
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhìn nhận, tái cơ cấu EVN cần tính đến việc đồng bộ với tái cơ cấu ngành năng lượng nói chung và tổng thể nền kinh tế; sớm bóc tách những hoạt động quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm tránh những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh cho các nhà đầu tư ở bên ngoài khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc EVN; cần có những chính sách hỗ trợ ban đầu cho các quá trình tái cấu trúc của EVN cũng như các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu khác.