Tâm sự của nhà khoa học làm báo
TS. Nguyễn Minh Phong |
Tôi đến với báo chí một cách dung dị và chân thành của một người làm khoa học. Bài báo đầu tiên gửi đăng trên trang Quốc tế - Báo Nhân Dân hồi năm 1985. Cho đến nay, tôi đã có hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí.
Cái nghiệp báo chí dường như đã có sẵn trong máu, thế nên vừa rồi tôi đã quyết định chuyển sang công tác tại Báo Nhân dân. Thế nhưng, tôi vẫn luôn được các phóng viên báo chí phỏng vấn dưới tư cách là nhà khoa học, nhà kinh tế. Nhiều khi, các phóng viên và cả các cơ quan báo chí cũng không khỏi phân vân nên gọi tôi là nhà báo hay nhà khoa học. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là nhà báo và đến nay cũng chưa đủ 3 năm để nhận thẻ nhà báo như quy định. Khi đã trở thành nhà báo, tôi vẫn mang tư duy và thói quen của nhà khoa học đã ngấm thành bản chất trong tôi.
Theo tôi, khoa học và báo chí là hai lĩnh vực luôn có sự cộng hưởng và hỗ trợ nhau trong hành trình đi tìm chân lý và sự chân thật vốn có của sự việc, hiện tượng. Xã hội ngày càng phát triển, báo chí và khoa học lại càng đồng hành gần gũi, chặt chẽ hơn. Nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống được nhà báo phản ánh chính là nguồn ý tưởng khơi gợi trí sáng tạo, khám phá và thăng hoa của nhà khoa học. Những bài báo được viết bởi sự cộng hưởng giữa trí tuệ và lương tâm của nhà khoa học, cùng kỹ thuật và sự nhiệt thành mãnh liệt của nhà báo sẽ tạo nhiều cảm xúc và lan tỏa lành mạnh trong đời sống xã hội.
Báo chí thực hiện sứ mệnh đăng tải các bài viết, ý kiến kịp thời và tâm huyết, có trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia nên các ấn phẩm báo chí luôn được bạn đọc quan tâm, tin tưởng. Chuyên gia và nhà khoa học có thể là người đưa thương hiệu báo chí tỏa sáng, điều chỉnh cách làm và nâng tầm tri thức, giá trị của tờ báo. Các nhà khoa học cần báo chí để công bố và quảng bá thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học và quan điểm của mình ra xã hội, để chúng hữu ích hơn, thay vì xếp vào ngăn kéo và nhận “phê phán bằng sự gặm nhấm” của bóng tối và lặng im. Khi nhà khoa học và báo chí “đồng tâm hiệp lực”, cùng có tiếng nói chung vì lợi ích quốc gia, xã hội thì sức mạnh được nhân gấp bội cho mỗi bên và tỏa rộng cho cả cộng đồng.
Tuy nhiên, để báo chí và khoa học ngày càng gắn bó, phát huy hiệu quả tích cực cho sự phát triển của mỗi bên và của cả xã hội, trước hết cần có sự tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách và quy định liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin. Các nhà khoa học và các cơ quan báo chí cũng cần nhận thức đúng đắn hơn sứ mệnh và quan điểm phục vụ, hài hòa hơn các góc độ thông tin, chủ động và không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của mình…
30 năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi thấu hiểu những ngóc ngách “bếp núc” trong nghề. Nếu niềm vui lớn nhất của nhà khoa học là được đăng bài, phát biểu, trình bày quan điểm, ý kiến khoa học của mình và được lắng nghe, được tiếp nhận và sử dụng… thì niềm vui của nhà báo cũng gần như vậy, đó là khi bài được đăng, được độc giả đón nhận, hưởng ứng...
Về với Báo Nhân Dân, tham dự những buổi họp giao ban xuất bản hàng ngày, được tiếp xúc với nhiều cây viết giàu kinh nghiệm, tôi cũng được biết thêm nhiều điều mới mẻ về các góc cạnh và những “kiêng huý” trong làng báo và nghề báo. Làm báo không đơn giản và tập thể lãnh đạo, phóng viên báo luôn chịu khá nhiều áp lực, vất vả và phải quan tâm tới đủ chuyện to nhỏ, mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc gia và quốc tế...
Tôi thích viết các bài phản biện chính sách, bình luận đa chiều, chống lại lợi ích nhóm và lối tư duy nhiệm kỳ, cũng như mang tính dự báo và cảnh báo từ góc độ nghiên cứu khoa học chuyên sâu và tổng hợp, nâng tầm phổ quát… Cho nên, bài viết dễ làm khổ các biên tập viên vì tội “dài và nặng”, khó cắt và thậm chí khó đăng. Hơn nữa, sau khi về Báo Nhân Dân, tôi không chỉ một lần nghe và không chỉ một phóng viên nói rằng, họ thích tôi ở cơ quan nghiên cứu khoa học và phỏng vấn tôi với tư cách chuyên gia kinh tế hơn là tôi về làng báo!
Nói đâu xa, ngay có cô phóng viên Báo Nhân Dân rõ xinh đẹp cũng nói thẳng với tôi như vậy và “từ mặt” không bao giờ động đến tôi nữa, kể từ khi tôi đã trở thành đồng nghiệp, mặc dù trước đó tôi được “chăm sóc” khá chu đáo với tư cách cộng tác viên thân thiết Báo Nhân Dân và là “mối ruột” của cô ấy. Thậm chí, khi về quê ở TP. Bắc Ninh tụ tập gia đình ngày mùng 1 Tết Quý Tỵ, ngay u tôi, người đã trên 80 tuổi và nhìn rõ người âm hơn hiểu chuyện đời nay, cũng hỏi tôi khi nhận tiền mừng tuổi: “Sao con không làm tiến sĩ kinh tế mà lại làm báo?”...
Vượt lên tất cả, với riêng tôi, dù thêm niềm vui và cả những nỗi buồn gắn với cái Tâm, cái Trí và cái Tình của Nghề và Nghiệp của Nhà khoa học, Nhà báo, thì ở đâu và làm gì đi nữa, số phận và định mệnh chắc chắn sẽ mãi khiến tôi chỉ nghĩ, viết và nói những điều cần thiết, đúng đắn, có lợi cho nhân dân, đất nước và thôi thúc tôi tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, cống hiến…
Mặc dù tự nhận mình chưa phải là nhà báo, song “gia tài” báo chí mà TS. Nguyễn Minh Phong có được khiến nhiều nhà báo thực thụ cũng phải ghen tỵ. Theo đó, đến nay anh đã có khoảng 400 bài báo, bài nghiên cứu được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Đặc biệt, anh đã có trong tay đến 2 Giải thưởng báo chí quốc gia năm 2008 và năm 2012; 4 Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính; 1 Giải A Báo Nhân Dân; 1 Giải Khuyến khích báo chí toàn quốc viết về ngành Dầu khí; 1 Giải A báo chí viết về 995 năm Thăng Long - Hà Nội…
TS. Nguyễn Minh Phong