Tận dụng vốn ngoại cho tăng trưởng xanh
Đổi mới mô hình tăng trưởng của DNNN
Phát biểu tại Hội nghị “Tăng cường hợp tác với các Quỹ đầu tư nhằm thu hút tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại DNNN”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, con đường phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 đang hết sức khó khăn, nhiều chông gai và không bằng phẳng. Sự biến động của kinh tế thế giới cộng hưởng với những xu thế đang nổi lên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tái định hình các chuỗi cung ứng và sản xuất đặt ra thách thức cho các nước, nhất là các nước đang phát triển trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế - xã hội cũng như các yêu cầu mới, cấp bách trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, các quốc gia đứng trước yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực thích ứng, khả năng chống chịu, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa ngắn hạn và dài hạn, đồng thời tận dụng các động lực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thu hút hiệu quả các nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững.
Cần tăng cường thu hút nguồn lực quốc tế cho mục tiêu tăng trưởng xanh. |
Tại Việt Nam, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là những mục tiêu lớn của Chính phủ nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội với bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Triển khai Chiến lược trên, với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, quan trọng của cả nước, chiếm gần 65,3% tổng tài sản và gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Ủy ban đang xây dựng và thực hiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, trong đó tập trung vào một số định hướng đó là: huy động hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững các tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp. Ưu tiên phát triển, hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Vốn quốc tế có vai trò quan trọng
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Tuy vậy, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và rất cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực ngoài nhà nước...
Nguồn lực này mang tính quyết định, đảm bảo thành công trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, bao gồm các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo. Ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, các ngân hàng phát triển đa phương, các đối tác phát triển, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ toàn cầu ngày càng đóng vai trò tiên phong, quan trọng trong huy động và cung cấp nguồn đầu tư, tài chính xanh, nguồn lực công nghệ và con người cho phát triển bền vững.
Thời gian qua, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư với tất cả bạn bè quốc tế trong khuôn khổ song phương và đa phương, trở thành điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức song vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng lạc quan, đạt hơn 31 tỷ USD trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020 và hơn 18 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022.
Việt Nam là một nền kinh tế phục hồi ổn định sau dịch Covid-19 khi môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng thuận lợi, lực lượng lao động có sức trẻ, sức sáng tạo và khả năng thích nghi cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất vào kinh tế khu vực và toàn cầu, có tiềm năng trở thành một trung tâm kết nối các chuỗi cung ứng và một mắt xích quan trọng của các Hiệp định FTA có quy mô lớn nhất thế giới như CPTPP, RCEP…
Với quyết tâm mạnh mẽ đó, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư và nguồn vốn xanh, bền vững của các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cảnh đề xuất, các quỹ đầu tư có thể hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước triển khai các dự án trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Ngoài ra, có thể tham gia mua cổ phần trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty này để góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao.
Cùng với đó, kết hợp với các DNNN có tiềm lực, năng lực để xây dựng cụm liên kết ngành công nghiệp tại các vùng địa phương có lợi thế về nguyên liệu đầu vào, lao động, giao thông… Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động vốn cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng như tái cơ cấu DNNN.