Tăng cường phối hợp ngăn chặn lừa đảo trong thanh toán
Cảnh giác với các thủ đoạn giả mạo ngân hàng để lừa đảo Ngân hàng gia cố “hàng rào” bảo vệ khách hàng |
Các ngân hàng đã rất năng động, sáng tạo, kịp thời nắm bắt, nghiên cứu, để cho ra đời các sản phẩm thẻ độc đáo, hấp dẫn, may đo cho từng đối tượng, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, số hóa, cá nhân hóa… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với những tiện ích vượt trội mang lại đã giúp thay đổi rõ rệt hành vi của khách hàng theo hướng giảm rút tiền mặt, tăng sử dụng thẻ để chi tiêu, thanh toán hàng hóa dịch vụ. Doanh số sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng 33%/năm trong giai đoạn 2021 - đến tháng 6/2024; tỷ trọng thanh toán, chi tiêu bằng thẻ so với rút tiền mặt tăng từ 23% trong 2021 lên 39% trong 6 tháng năm 2024. Theo số liệu thống kê của Vietcombank, giá trị giao dịch thẻ hàng năm trên thị trường thẻ và thanh toán thẻ Việt Nam vào khoảng 36,6 tỷ USD. Dự báo tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2023-2027 sẽ ở mức 15%.
Những lợi ích vượt trội mang lại cho khách hàng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là rất rõ. Về phía các ngân hàng cũng đã xây dựng “rào chắn” bảo vệ khách hàng. Song hiện tại tình hình rủi ro trong giao dịch thẻ nội địa, thanh toán thẻ quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng tội phạm.
Theo thống kê của Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi Hội thẻ, hiện tại có tới 24 hình thức lừa đảo trong thanh toán thẻ như: cuộc gọi video deepface, deepvoice; combo du lịch giá rẻ; giả mạo biên lai chuyển tiền; giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; tuyển người mẫu nhí; thông báo khoá sim vì chưa chuẩn hoá thuê bao; dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền FlashAI…
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Quý - Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi hội thẻ, có 2 trường hợp lừa đảo phổ biến nhất trong thời gian vừa qua đó là giả mạo ứng dụng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị; hay kẻ gian giả danh cán bộ ngân hàng liên hệ qua điện thoại, mạng xã hội mời chào mở thẻ phi vật lý trên app ngân hàng, lừa đảo cung cấp số thẻ, mã OTP để thực hiện giao dịch.
Đối với thẻ quốc tế, tội phạm thường khai thác lỗ hổng bảo mật, lấy thông tin khách hàng trên phạm vi lớn; hoặc chủ đích đoán định thông tin khách hàng để tích luỹ lượng lớn thông tin. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận những trường hợp khách hàng cố tình trục lợi thông qua đặc điểm chính sách bán hàng hoàn tiền khi phát sinh khiếu nại của Facebook, Google, Apple…
Thông tin thêm về một số hình thức lừa đảo, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, tình trạng giả danh lực lượng thực thi pháp luật của tội phạm liên tục gia tăng về số vụ việc. Đối tượng mạo danh lực lượng thực thi pháp luật để thao túng tâm lý, đe dọa cưỡng ép chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm hết sức tinh vi khi thường đánh vào tâm lý người dân ở những vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật rửa tiền, buôn bán ma tuý... hay các vấn đề về hỗ trợ khai báo miễn trừ thuế, hỗ trợ cài đặt VneID. Cùng với đó còn xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo đầu tư tài chính.
Trước thực tế này, thời gian gần đây, NHNN cũng như các tổ chức phát hành thẻ siết chặt quản lý tài khoản cá nhân, các đối tượng đã có những động thái chuyển sang mua bán tài khoản doanh nghiệp, đặc biệt là tài khoản của doanh nghiệp siêu nhỏ để phục vụ cho mục đích lừa đảo.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho rằng, để đối phó với các thủ đoạn tinh vi của đối tượng lừa đảo, cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống đặc biệt là hệ thống xác thực sinh trắc học, eKYC để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động gian lận, giả mạo khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng. Tăng cường công tác hậu kiểm việc mở tài khoản, thẻ ngân hàng qua eKYC; kết nối nền tảng trực tuyến hệ thống cơ sở dữ liệu cảnh báo danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật của Bộ Công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thu hồi tài sản cho khách hàng. Đồng thời, ban hành quy trình phối hợp chung, thống nhất toàn ngành Ngân hàng để cùng ứng xử đối với các tài khoản trong danh sách cảnh báo; đầu tư về con người, công nghệ, hậu kiểm tài khoản, phát triển hệ thống sàng lọc, phân tích, cảnh báo tài khoản phát sinh đáng ngờ theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền...
Ông Nguyễn Ngọc Quý đề xuất, tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị như Bộ Công an, NHNN, Tổ chức thẻ quốc tế, Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas)... Theo đó, Napas cần đẩy nhanh tốc độ ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ nghi ngờ liên quan đến giả mạo, gian lận giữa các tổ chức thành viên; NHNN ban hành hướng dẫn cụ thể về phương thức xác thực làm cơ sở để các TCTD áp dụng và triển khai tuân thủ; Tổ chức thẻ quốc tế chia sẻ thông tin trên nguyên tắc hỗ trợ thị trường như cung cấp thông tin cảnh bảo miễn phí, giảm phí sử dụng các chương trình cảnh báo phù hợp…
Trả lời trong phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, vấn đề tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt. Việc giải quyết tội phạm này còn là vấn đề lâu dài, là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị.