Cuộc đua giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay |
“Vay ưu đãi - lãi an tâm” là tên một chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân của một NHTMCP vừa được công bố với mức lãi suất cho vay (LSCV) giảm gần 2% so với trước đó. Không chỉ liên tục giảm LSCV, các ngân hàng còn cung cấp cho khách hàng nhiều ưu đãi đi kèm. Chỉ trong tuần đầu tháng 5/2020 hàng chục NHTM đua nhau tung ra những chương trình tín dụng mới hoặc mở rộng gói tín dụng đang triển khai với lãi suất thấp hơn. Cuộc đua giảm LSCV đến hồi gay cấn.
Ảnh minh họa |
Trong lịch sử thị trường 20 năm trở lại đây, chúng ta từng chứng kiến nhiều cuộc đua tăng lãi suất huy động, nhưng có lẽ chưa bao giờ có cuộc đua giảm LSCV vay rầm rộ, trên diện rộng như hiện nay. “Khơi mào” cho cuộc đua này có thể tính từ ngày 4/2/2020 - khi Thống đốc NHNN ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiếp đó, ngày 6/2/2020, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chủ trì hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các TCTD về việc triển khai các giải pháp cụ thể của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kết luận cuộc họp này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM xây dựng kịch bản, giải pháp hỗ trợ cụ thể và khích lệ các TCTD: “Đây cũng là cơ hội để NHTM khẳng định thương hiệu và tiềm lực tài chính của mình cũng như sự đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng… là lúc chúng ta thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với xã hội, người dân”.
Để rồi đến nay, sau hơn ba tháng có thể tóm tắt lộ trình các “chặng đua” giảm LSCV của TCTD như sau: Trong tháng 2/2020 mức giảm LSCV phổ biến của các TCTD đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 0,5%/năm. Tháng 3/2020, đặc biệt là sau ngày 13/3 (khi NHNN ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) nhiều TCTD áp dụng LSCV đối với các lĩnh vực ưu tiên và các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh giảm từ 1% đến 2%. Tháng 4/2020, có nhiều hơn chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai, tổng nguồn vốn của các chương trình này được TCTD cam kết dành cho khách hàng ban đầu là 85 ngàn tỷ đồng, sau tăng lên 250 tỷ đồng hồi tháng 3/2020, rồi lên 300 ngàn tỷ đồng… Và hiện rất khó để thống kê vì nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi được các TCTD điều chỉnh tăng từng ngày.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 170 nghìn khách hàng với dư nợ gần 130 nghìn tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 29 nghìn tỷ đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng trên 980 ngàn tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng. Các TCTD cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1% đến 2%. Doanh số cho vay mới lũy kế của TCTD đối với 150 ngàn khách hàng (từ ngày 23/1/2020 - thời điểm Việt Nam có trường hợp đầu tiên mắc Covid-19) đạt trên 533 nghìn tỷ đồng.
Về chi tiết, có thể hình dung các TCTD ngày càng tăng tốc trong cuộc đua giảm LSCV qua những chương trình vừa được công bố trong tuần qua như: LSCV ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân tại ABBANK đã giảm còn 7,6%/năm thay vì 8,5%/năm và 9,7%/năm như trước đó, với hạn mức giải ngân 2.000 tỷ đồng. BIDV nâng gói cho vay cá nhân mùa Covid-19 từ 30 ngàn tỷ đồng lên 50 ngàn tỷ đồng, LSCV chỉ từ 6%/năm, giảm tiếp 0,5% của chính chương trình này (mới được BIDV triển khai từ 31/3/2020 với lãi suất cho vay thấp nhất là 6,5%/năm). Từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV đã giải ngân khoảng 35.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm giúp khách hàng cá nhân duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. TPBank triển khai gói vay với hạn mức 4.500 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân vay vốn với LSCV chỉ từ 5%/năm cố định trong 3 tháng đầu... Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kể từ tháng 5/2020, Ngân hàng Xây dựng cũng điều chỉnh giảm LSCV đối với hàng loạt các sản phẩm và mức giảm tối đa tới 2%/năm so với trước đó.
Ngoài giảm LSCV khách hàng còn được hưởng các ưu đãi như: Miễn phí duy trì dịch vụ ngân hàng điện tử; cộng thêm 0,5% đến 1% lãi suất khi gửi tiền Online; Miễn, giảm phí chuyển tiền; Được tặng tiền khi đăng ký mới các dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn trên SmartBanking…
Khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang được hưởng lợi từ cuộc đua giảm LSCV này. Song, như Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói: việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết, nhưng các ngân hàng không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, quy định nội bộ của ngân hàng. Vì yêu cầu tiên quyết là đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây. Hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.