Tăng mức giảm trừ gia cảnh, tháo “gánh nặng” cho người nộp thuế
Giảm trừ gia cảnh vẫn “chạy” sau lạm phát Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Sao vẫn là 11 triệu? |
Chưa phù hợp với thực tế
Cũng bấp bênh giữa bài toán thu nhập và chi phí sinh hoạt, anh Vũ Hoài Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dù đã đi làm hơn 10 năm và thu nhập 15 triệu đồng/tháng nhưng anh vẫn không có tiền để tiết kiệm vì ngoài chi phí cho gia đình anh còn phải trả tiền viện phí cho bản thân, trung bình 5 triệu đồng/tháng. Với mức lương hiện tại, anh vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh không tính đến chi phí khám, chữa bệnh cố định của anh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được duy trì từ năm 2020 đã không còn phù hợp mặt bằng giá chung liên tục biến động tăng. Điều này đã tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Do đó, cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh mới.
Đảm bảo hài hòa, cân đối giữa các địa phương
Về vấn đề này, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2022, Quốc hội đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh. Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến bộ, ngành, địa phương và báo cáo Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng Luật thuế Thu nhập cá nhân. Quốc hội đã phê duyệt việc xây dựng Luật thuế Thu nhập cá nhân và dự kiến năm 2025 sẽ sửa đổi. Đến thời điểm này, căn cứ của thay đổi mức giảm trừ gia cảnh chủ yếu phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, việc lấy CPI làm cơ sở điều chỉnh mức tính thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh là không phù hợp. Bởi lẽ CPI chưa phản ánh hết được các yếu tố gây tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, vì thế, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ căn cứ vào CPI, mà còn cần dựa vào mức tăng thu nhập của người dân.
Do đó, một chuyên gia đề xuất, mức giảm trừ gia cảnh nên tăng theo lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định hàng năm để đảm bảo cân đối giữa các địa phương trên cả nước. Mức tăng thêm giảm trừ gia cảnh khoảng 25%. Từ đó, nâng mức thu nhập chịu thuế lên 13 - 14 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 5,5 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Điều này sẽ giảm gánh nặng đóng thuế với nhóm người có thu nhập thấp ở khu vực thành thị. Hơn nữa mức nộp thuế không phù hợp, người đóng thuế sẽ thấy khó khăn từ đó không kích thích được việc sáng tạo, thậm chí không có động lực làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nếu chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh nhưng vẫn giữ các bậc thuế và thuế suất thì những người đang nộp thuế lại gần như không có tác động nhiều. Do đó, cần điều chỉnh đồng bộ cho phù hợp.