Tăng tốc tháo gỡ vướng mắc chính sách, đẩy lùi "bóng ma" nợ xấu
Đa dạng các giải pháp xử lý nợ xấu | |
Quyết liệt hơn với xử lý nợ xấu |
Xử lý nợ xấu có chuyển biến tích cực
Một trong những quyết sách lớn hỗ trợ tích cực trong công tác xử lý nợ xấu được đánh giá cao trong thời gian qua đó là Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42). Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, trên 3 năm đi vào thực tiễn đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42; cùng với những quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010), khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu các NHTM được hoàn thiện; kê biên, hoàn thiện thủ tục pháp lý, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất.
Nghị quyết 42 cũng cho khách hàng thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm trả nợ của mình. Từ năm 2017 trở về trước, công tác xử lý nợ rất khó khăn. Tuy nhiên, tới khi có Nghị quyết 42, thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến, nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các tổ chức tín dụng, bàn giao tài sản để các tổ chức tín dụng xử lý phát mại và thu hồi nợ…
Tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu (66% số nợ) xác định theo Nghị quyết 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bản (21%) bán cho VAMC (25)%. Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản.
Nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD thời gian qua, các TCTD đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các TCTD, đồng thời góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong đánh giá tích cực sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, diện mạo bộ mặt ngành Ngân hàng đã sáng lên rất nhiều, khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành giảm dưới 3%. Các ngân hàng đều có báo cáo tài chính sạch, nợ xấu không chỉ được bán cho VAMC mà còn được chính các nhà băng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối.
Về phía ngân hàng, đại diện Ngân hàng SHB cho biết: Nghị quyết 42 như "làn gió mạnh” thổi vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý, là cơ sở để các TCTD đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, rút ngắn thời gian xử lý nợ, tiết giảm chi phí; làm thay đổi ý thức trả nợ của khách hàng/bên bảo đảm, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả; Khẳng định quyền cho chủ nợ trong quá trình vay nợ. Nghị quyết 42 được ban hành cho thấy đây không chỉ là mối quan tâm của ngành Ngân hàng mà còn là mối quan tâm của toàn dân.
Đồng hành cùng Nghị quyết 42 trong thời gian qua, SHB đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ cụ thể như sau: Nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội; Ưu tiên áp dụng các giải pháp thu nợ thông qua thuyết phục, động viên khách hàng hợp tác trả nợ/ tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm để SHB chủ động xử lý; Đối với các khách hàng không hợp tác, phân tách tài sản thành các lớp để xử lý, hạn chế tối đa các tác động bất ổn cho trật tự xã hội trong triển khai hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm.
Đại diện Ngân hàng Techcombank nhận xét, Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết "cục máu đông" tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013. Riêng tại Techcombank, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hơn 70% các khoản nợ xấu được xử lý thông qua áp dụng Nghị quyết 42. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy 97-99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt.
Ảnh minh họa |
Áp lực "bóng ma" nợ xấu quay lại
Đánh giá tích cực kết quả nợ xấu đạt được trong thời gian qua, nhưng ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong bày tỏ lo ngại “bóng ma” nợ xấu đang ám ảnh quay trở lại dưới tác động COVID-19.
Hoạt động đời sống kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực diện hơn 1 năm trở lại đây thể hiện qua: Đứt gãy dòng tiền do đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh vốn cao, nay không hoạt động được dẫn tới tình cảnh lay lắt sinh tồn. Đặc biệt, với làn sóng COVID-19 lần thứ tư này, cho thấy virus nợ xấu đã hoàn tất việc “thâm nhập” vào cơ thể doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 khiến cho các hoạt động nghiệp vụ của VAMC bị gián đoạn. Công ty buộc phải thay đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến, gặp không ít khó khăn trong hoạt động mua bán nợ (khảo sát tài sản, làm việc với các nhà đầu tư, khách hàng…) cũng như quá trình tổ chức, thực hiện đấu giá tài sản. Công tác thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án bị ảnh hưởng ít nhiều do việc tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết. Hoạt động kiểm tra công tác ủy quyền tại các TCTD cũng bị hạn chế do dịch bệnh. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nguồn thu và dòng tiền của khách hàng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý thu hồi nợ của VAMC.
Một điểm đáng chú ý được đại diện của Techcombank đề cập tới là ngân hàng hiện đang chịu thêm các sức ép khác, đó là một số khách hàng tận dụng sự phát triển của mạng xã hội để gây sức ép cho ngân hàng, đưa thông tin một chiều, sai sự thật khiến dư luận nhìn nhận không khách quan, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với những khó khăn của công tác xử lý thu hồi nợ xấu. Một số thông tin sai lệch này ảnh hưởng không tốt đến uy tín, gây tổn thương cho hình ảnh thương hiệu. Điều này, khiến công tác thu hồi nợ xấu đã khó càng khó hơn.
"Ngân hàng là tổ chức lớn và hoạt động chịu sự quản lý rất chặt chẽ bởi pháp luật. Chúng tôi luôn đề cao tinh thần tuân thủ pháp luật, ủng hộ chính sách của Nhà nước. Trong quá trình xử lý nợ, chúng tôi cam kết tuân thủ pháp luật và sẵn sàng chia sẻ thông tin tới các cơ quan quản lý và truyền thông để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, đại diện Techcombank bày tỏ.
Có thể thấy hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là những vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 42 chưa được tháo gỡ. Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra 11 vướng mắc đã được đề cập tới khi sơ kết triển khai Nghị quyết 42, tập trung một số nguyên nhân như: sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán; còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo…
Để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, TS. Cấn Văn Lực đề xuất Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính tại Nghị quyết 42 theo chức năng - nhiệm vụ, nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung.
Song song với đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực tài chính - quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu. Các bộ chủ quản chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay tại các TCTD mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên của mình…
Ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, cần thiết tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung tại Nghị quyết 42 đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong áp dụng pháp luật để giải quyết kịp thời vướng mắc của các ngân hàng trong triển khai Nghị quyết 42 hiện nay.
Cụ thể, đối với Tòa án Nhân dân tối cao, theo ông Nguyễn Quốc Hùng cần tiếp tục rà soát, chỉ đạo Tòa án các cấp đẩy mạnh việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại điều 8 Nghị quyết 42 để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ xấu, tiết kiệm thời gian chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
Đối với Bộ Công an, cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa các giai đoạn xử lý thu giữ tài sản, có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, bảo đảm việc thu giữ diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật; sớm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục thời điểm/thời hạn hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ theo quy định tại Nghị quyết 42…