Tạo cơ chế để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô Cơ hội lớn cho doanh nghiệp |
Việt Nam-điểm đến hấp dẫn
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đánh giá, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây là cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. Thời điểm này, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu của Việt Nam là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng đến sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa hàng xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp, sau đó sẽ thiết kế các chương trình hỗ trợ nhằm tăng sức cạnh tranh ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon cho biết, Amazon muốn tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu với chiến lược hướng tới khách hàng bằng cách mang đến nhiều sự lựa chọn sản phẩm nhất cho họ. Theo ông, Việt Nam sẽ góp phần mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn cho hàng trăm triệu khách hàng của Amazon trên toàn cầu. Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất mới nổi quan trọng tại châu Á và trên thế giới, với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng danh mục sản phẩm.
Nhận thấy đây là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ đang quyết tâm giải quyết các "nút cổ chai" của nền kinh tế, đó chính là kết cấu hạ tầng. Khi đó, tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ được mở rộng.
Đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp hồi phục đà phát triển |
Nỗ lực tham gia “cuộc chơi” toàn cầu
Cơ hội lớn đi cùng với thách thức. Trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động, 98% là nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các doanh nghiệp này là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính hạn chế. Vì vậy, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước khó khăn.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, nước ta có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng. Việc ứng dụng thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để nên doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, thông thương hàng hóa chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
TS. Nguyễn Tú Anh-Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) đề cập đến các thách thức lớn hiện nay là thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề cao và cả lao động phổ thông. Thứ hai, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn lớn, nhu cầu năng lượng lớn. Thứ ba, việc kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn có những rủi ro khó kiểm soát. Cuối cùng, gắn liền với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc… Theo ông Bình, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, chính sách; thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành cần phải được cải cách, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để thuận lợi hoá thương mại.
Còn TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT nhấn mạnh đến "xanh hóa" trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nêu vấn đề, cần tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu, chính sách, các trường đại học… Theo đó, hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng theo hướng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.