Thách thức đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng
Ngày 28/9, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo: “Xu dướng công nghệ Vật liệu xây dựng trong công trình xây dựng”.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng chia sẻ, trong những năm vừa qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến tích cực.
Phát triển vật liệu xây dựng đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10-15 năm trước.
"Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới", ông Hiệp chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp phải nhiều thách thức đó là, tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác.
Theo ông Hiệp, nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất.
Hiện có rất nhiều loại vật liệu xây dựng và hoàn thiện tiên tiến đã được đưa ra thị trường hoặc đang tiếp cận thị trường. Mặc dù có nhiều tiềm năng lớn, nhưng các loại vật liệu mới vẫn khó thâm nhập thị trường, chưa nói đến việc đạt được sự chấp nhận rộng rãi.
Ngày 28/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Ngày 16/4/2012, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
"Đây là chủ trương đột phá tích cực trong việc sản xuất sạch và sử dụng vật liệu xây thân thiện của Việt Nam. Tuy nhiên cũng không dễ để thay đổi thói quen lâu đời đối với người dân, các doanh nghiệp và ngay cả các cấp chính quyền", Thạc sĩ Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ.
Ngày càng có nhiều khối nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên vẫn chưa phải tất cả các chủ đầu tư, tại mọi dự án nhà cao tầng đều sử dụng, trong khi Quy chuẩn Việt Nam số 09/2013/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, đã quy định việc hạn chế bức xạ mặt trời.
Về tiêu thụ vật liệu xây không nung, theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, nếu tính bình quân cả nước và các loại vật liệu xây không nung nói chung thì con số sử dụng năm 2015 là 4,98 tỷ viên QTC trên tổng số 23 tỷ viên VLX được sử dụng, đạt 21%. Như vậy chỉ tiêu thứ nhất của Chương trình 567 là tỷ lệ sử dụng bình quân trong cả nước đã đạt (Chương trình đề ra là trên 20%);
Thực tế tới năm 2015 cả nước đã đầu tư trên 2 nghìn dây chuyền sản xuất gạch block bê tông (gạch xi măng cốt liệu), trong đó gần 150 dây chuyền khoảng trên 10 triệu viên/năm và 13 dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp. Chỉ tính 3 loại vật liệu xây không nung cơ bản là block bê tông, AAC và bê tông bọt, cả nước đa có tổng công suất là 6,5 tỷ viên QTC. Công suất đó có thể nói đã vượt chỉ tiêu của năm 2020...
Năm 2016 đến 2018 lượng vật liệu xây không nung được đưa vào sử dụng cũng đã được tăng thêm so với năm 2015. Tuy nhiên vẫn tồn tại một thực trạng là tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung loại nhẹ vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2019 lượng vật liệu xây không nung được đưa vào sử dụng bị giảm dần.
Từ đầu năm 2020 cả nước bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, các ngành sản xuất bị đình trệ, trong đó có ngành xây dựng và lĩnh vực vật liệu xây dựng. Các cơ sở sản xuất không được khai thác hết công suất do việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, vì vậy việc đầu tư mới các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung cũng chững lại.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, năm 2021 cả nước tiêu thụ tổng cộng 21,75 tỷ viên quy tiêu chuẩn, trong đó vật liệu xây không nung 3,35 tỷ viên QTC chiếm 15,4%. 8 tháng đầu năm 2022 cả nước tiêu thụ tổng cộng 11,94 tỷ viên QTC, trong đó vật liệu xây không nung 1,94 tỷ viên chiếm 16,25%.
Như vậy, đối chiếu với tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung năm 2015 và Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã được phê duyệt bởi Quyết định 567/QĐ- TTg ngày 28/4/2010 và Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2030 đã được phê duyệt bởi Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 thì con số sử dụng thực tế còn rất xa với mục tiêu Chương trình.
Để phát triển việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện, theo ông Lê Văn Tới, Nhà nước cần phải có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện. Những biện pháp này cần được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong Nghị định.
Các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXD thân thiện. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
Về đào tạo, cần phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện, cần có sự cập nhật, cải tiến trong biên soạn giáo trình.