Thanh khoản dồi dào đã giúp ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế
Ngày 30/11, Báo Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” nhằm phân tích và giới thiệu những giải pháp của ngành Ngân hàng để thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Ngân hàng trong vai trò “dẫn mạch” phục hồi tăng trưởng kinh tế |
Vì lợi ích khách hàng và nền kinh tế
Tóm tắt các chính sách tiền tệ NHNN đã thực thi thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN đã điều hành chủ động linh hoạt các chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản của thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,66%/năm. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.
Đặc biệt, NHNN đã khẩn trương triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ một số đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; điều hành tỷ giá tiếp tục đảm bảo linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; triển khai miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhìn từ thực tế hoạt động của ngân hàng, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, trong thời gian qua các ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, quản trị nội bộ và tương tác với khách hàng; phân tích tình hình các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19, đưa ra giải pháp nhằm làm giảm thiểu khó khăn, thiệt hại như cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, miễn giảm các loại phí…
Về chi phí, các ngân hàng đều tiết giảm tối đa chi phí vận hành, chi phí không cần thiết, nâng cao năng lực hoạt động, năng suất lao động. Đồng thời, các ngân hàng ngày càng nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, tiến sát đến các chuẩn mực thế giới. Hiện các ngân hàng đều có xu hướng cơ cấu theo hướng đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, nhiều ngân hàng nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn, nâng cao năng lực quản trị, bà Nguyễn Ánh Vân nói.
Toàn cảnh tọa đàm |
Chuẩn bị kỹ các giải pháp hỗ trợ
Đánh giá nền kinh tế của các nước trong khu vực, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, dịch bệnh ở châu Á có xu hướng giảm, tốc độ tiêm chủng nhanh đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, góp phần làm tốc độ phục hồi kinh tế ở châu Á tăng rất nhanh, mạnh mẽ; về đầu tư sẽ phục hồi dần từ năm 2021-2022; một số nước đã tăng trần nợ công để tạo dư địa cho chính sách tài khóa nhưng nhìn chung vẫn nằm trong tổng kiểm soát; một số nước đã bắt đầu nâng lãi suất.
Tại Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Cường cho rằng, dù đã tung ra những gói hỗ trợ rất mạnh nhưng Việt Nam còn rụt rè so với các nước khác. Do đó, chính sách tài khóa cần đóng vai trò lớn trong thời gian tới, phối hợp vời chính sách tiền tệ để tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi trong ngắn hạn nhưng cần có biện pháp thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Đồng thời, phân loại và xác định mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Cùng chung nhận định này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế phân tích, Việt Nam còn chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh, hầu hết mới là các gói gián tiếp mang tính giãn, hoãn, chưa tới 1% GDP. Chính sách tài khóa 2021 không có mục nào là chống COVID-19 mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa khiến các cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để điều hành trong tình trạng khẩn cấp.
Nhìn từ thực tiễn triển khai gói kích thích hỗ trợ lãi suất năm 2009, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới cần phải thay đổi các cơ chế hỗ trợ để tạo ra hiệu ứng tích cực hơn và đảm bảo các nguyên tắc. Cụ thể, không nên kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc, bởi ngân hàng là doanh nghiệp nhạy cảm nhất.
Bàn về giải pháp của của NHNN trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, với quan điểm, chủ trương luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời theo dõi sát diễn biến vĩ mô, giá cả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…