Thanh toán qua QR vươn ra thế giới
Phương thức thanh toán này không những thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng cho người dân, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực thông qua việc quy đổi trực tiếp giữa Baht Thai (THB) và Việt Nam đồng (VND), thay vì sử dụng thông qua ngoại tệ thứ ba. Đây cũng là minh chứng sống động về hợp tác hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại của hai nước Việt Nam - Thái Lan trong bối cảnh kinh tế và công nghệ tài chính biến đổi nhanh chóng tại hai quốc gia. hiện thực hóa các cam kết trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa NHTW hai nước Việt Nam - Thái Lan trong lĩnh vực đổi mới tài chính, nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư thương mại du lịch giữa hai quốc gia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan chứng kiến Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR code) giữa Việt Nam - Thái Lan |
Hơn thế nữa, việc kết nối thanh toán này cũng thể hiện một mốc hợp tác quan trọng trong Sáng kiến Kết nối thanh toán Khu vực ASEAN nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính và phát triển của khu vực. Thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới giữa quốc gia ASEAN trên nền tảng kỹ thuật QR code tương thích chỉ là một phần nhỏ trong Sáng kiến “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực” do Việt Nam đề xuất, đã được các Bộ trưởng và Lãnh đạo cấp cao ASEAN phê duyệt. Mục tiêu của sáng kiến là nhằm thúc đẩy khả năng liên thông của các hệ thống thanh toán bán lẻ trong ASEAN; cung cấp phương tiện thanh toán an toàn, hiệu quả; có cơ chế quản lý, xử lý rủi ro và đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, áp dụng các chuẩn mực về phòng chống rửa tiền…
Dự án này được NHNN và NHTW Thái Lan phối hợp thực hiện từ năm 2020, thông qua hai đầu mối là Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty chuyển mạch quốc gia Thái Lan (NITMX). Người sử dụng ứng dụng thanh toán của các ngân hàng Việt Nam đã tham gia triển khai dịch vụ có thể quét mã ThaiQR để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán Thái Lan. Ngược lại, du khách từ Thái Lan có thể quét mã VietQR để thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thanh toán Việt Nam thông qua ứng dụng thanh toán của ngân hàng Thái Lan.
Các ngân hàng Việt Nam tham gia giai đoạn một của dự án bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, TPBank và Sacombank. Các ngân hàng Thái Lan tham gia dự án bao gồm: Bangkok Bank, Siam Commercial Bank, Kasikorn Bank, Bank of Ayudhya, Krung Thai Bank. Dự án đang tiếp tục xem xét việc mở rộng thêm các ngân hàng thương mại hai nước.
Có thể nói, tiền đề cho việc thanh toán qua QR được mở rộng ra ngoài biên giới Việt Nam là sự phát triển vượt bậc của thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua QR nói riêng những năm gần đây.
Theo đại diện Vụ Thanh toán NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị. Giao dịch qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021). Luỹ kế tới thời điểm hiện tại, khoảng 68% người Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).
Nếu như 5 năm trước, việc thanh toán qua QR còn khá lạ lẫm tại Việt Nam thì hiện nay đã có hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR đã được mở rộng với 41 tổ chức thành viên; dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR trên Cổng dịch vụ công Quốc gia mở rộng lên 17 tổ chức thành viên. Với tốc độ phát triển này, cộng với hỗ trợ ngày càng cao của công nghệ trong tương lai gần, các tổ chức tài chính Việt Nam sẽ mở rộng kết nối thanh toán QR ra toàn khu vực ASEAN.