Tháo gỡ cơ chế, tạo động lực để ngân hàng hoạt động kinh doanh
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn
Gỡ vướng cơ chế để Agribank đẩy nhanh cổ phần hóa
Những bất ổn ảnh hưởng lớn, tiêu cực đến nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên khó đoán định. Vì vậy, hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn. Để hỗ trợ cho tăng trưởng năm nay, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng. Mà mấu chốt là tăng cường chính sách tài khoá, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm. Đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường. Từ đó sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành cùng các tổ chức tín dụng để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất xanh của các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng. Đây là thách thức mới ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho NHTM thực hiện chính sách này. Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010 nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù.
Do điều kiện khó khăn kéo dài, mang tính dây chuyền cho nên đến nay, đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp có nợ nhóm 1 khả năng đang đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép TCTD được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề cổ phần hoá Agribank, theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hoá chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc nên việc xử lý kéo dài. Mặc dù rất cố gắng nhưng trong năm 2023 cũng chỉ xử lý được 12 mảnh, hiện còn 29 mảnh/2.174 mảnh vẫn chưa giải quyết được. Agribank sẵn sàng bàn giao nguyên trạng cho địa phương 29 mảnh còn vướng mắc này để triển khai cổ phần hoá. Do vậy, ngân hàng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này mà không chờ xử lý tổng thể sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng
Ngân hàng rất mong được hỗ trợ về cơ chế
Từ thực tế giai đoạn vừa qua, có thể thấy diễn biến nền kinh tế toàn cầu và trong nước rất khó đoán định. Bối cảnh kinh tế chung vẫn còn căng thẳng, thậm chí lan rộng. Sau Isarel - Hamas lại tiếp tục câu chuyện Biển đỏ căng thẳng. Mà tuyến vận tải này chiếm đến 30% năng lực khai thác của các chuyến tàu tuyến Á – Âu cho thấy tác động rất lớn đến vận chuyển hàng hoá toàn cầu, thậm chí không kém giai đoạn xảy ra dịch Covid. Hiện còn chưa biết điều gì xảy ra nên không ai “vẽ” chính xác được bức tranh kinh tế năm 2024. Trong bối cảnh chung như vậy, có thể kinh tế năm 2024 không bị suy giảm như năm 2023 nhưng nếu kỳ vọng có sự đột phá hay xoay chiều rất khó.
Đối với hoạt động ngành Ngân hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn từ nền kinh tế nên chắc chắn kinh doanh cũng sẽ khó có sự bứt phá. Các rủi ro khó khăn vẫn trực chờ, nhiều vấn đề muốn giải quyết chưa chắc đã thực hiện được sớm trong năm 2024 như khó khăn nợ xấu, thu hồi nợ…
Khó khăn là vậy nhưng chúng ta vẫn có thể trông chờ được những tín hiệu tích cực hơn. Những nỗ lực của Chính phủ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn khơi thông các thị trường. Đơn cử các dự án đầu tư công bắt đầu triển khai mạnh mẽ hơn; đầu tư vốn FDI tiếp tục gia tăng; các chỉ số tiêu dùng tốt hơn khi giải pháp kích cầu đầu tư phát huy hiệu quả; khả năng kháng cự doanh nghiệp tốt hơn… Do vậy, bước sang năm 2024, nếu có biến động xảy ra năng lực chống chọi của doanh nghiệp cũng tốt hơn để vượt qua được khó khăn. Dù không thể trông chờ bừng sáng nhưng ngành Ngân hàng sẽ có sự cải thiện nhẹ.
Ở góc độ doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực của mình, ngân hàng rất mong được sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý để tạo thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh ngân hàng đó là hành lang pháp lý. Các Bộ Luật được ban hành không chỉ giúp cho cơ quan quản lý tốt hơn mà còn hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ngân hàng yên tâm hơn khi kinh doanh. Do đó, sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định luật pháp rất quan trọng. Hiện tại, nhiều Bộ luật các quy định đưa ra không có sự đồng nhất với văn bản dưới luật dẫn tới việc chồng chéo khiến cho việc triển khai của doanh nghiệp rất khó khăn. Đơn cử như giai đoạn vừa qua, mặc dù, Chính phủ, NHNN quan tâm quyết liệt triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu nhưng liên quan đến nhiều Bộ luật, địa phương, mỗi nơi có cách hiểu, cách triển khai khác dẫn đến việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng không hiệu quả, chậm chạp.
Hay như hiện có những dự án, công trình thuộc nhiều ngành khác nhau do vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết nên không thể triển khai được tiếp. Việc để các dự án nằm đắp chiếu lâu rất lãng phí tài sản, ảnh hưởng dây chuyền đến doanh nghiệp, nền kinh tế… Do đó, đối với những dự án có vướng mắc pháp lý tồn tại kéo dài như vậy cần có sự quan tâm cao hơn từ phía các Bộ, ngành, địa phương… Chính vì vậy, điều quan trọng nhất các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ trong hoạt kinh doanh đó là hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, đặc biệt các văn bản dưới luật được triển khai đồng nhất.
Trong năm qua, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã phối hợp rất chặt chẽ, sang năm tới tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn hơn. Đặc biệt, chính sách tài khoá cần đẩy mạnh hơn thông qua tăng cường giải ngân đầu tư công. Đặt giả thiết các thị trường nước ngoài không đủ thuận lợi, thì đầu tư công chính là chìa khoá quan trọng tạo đòn bẩy thúc tăng trưởng kinh tế. Với chính sách tiền tệ, NHNN tiếp duy trì như hiện tại bám sát diễn biến thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng
Tiếp tục phát triển bền vững để thích ứng với nhiều biến số
Năm 2023 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Thị trường bất động sản chững lại, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu cũng giảm đã không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế mà còn ảnh hưởng các hoạt động tài chính và thắt chặt tiêu dùng của người dân. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm phần nào phản ánh bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay.
Tuy vậy, nhờ có cơ sở khách hàng tốt và chính sách tín dụng “3 giảm” phù hợp: giảm lãi suất, giảm thủ tục, giảm thời gian xử lý, TPBank vẫn đảm bảo tăng trưởng tín dụng gần 19%, gần hết hạn mức được phân bổ và cao hơn khá nhiều so với trung bình toàn ngành. Đến cuối năm, TPBank cũng đã vượt mốc 12 triệu khách, đi cùng với tỷ lệ CASA được cải thiện đáng kể, tăng từ 18% lên 23% tổng huy động vốn thị trường 1.
Xác định là một năm khó khăn TPBank không ngừng tăng cường chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tập trung cho các giải pháp công nghệ để giảm các chi phí, tạo đã vững chắc, củng cố nền tảng, nguồn lực để tiếp tục gặt hái những thành tựu trong năm mới.
Năm 2024, nền kinh tế được dự báo vẫn chưa thực sự khởi sắc. Mặc dù cải thiện so với năm 2023 nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ còn chậm do tồn tại nhiều yếu tố tác động phức tạp của kinh tế, chính trị thế giới. Do đó, năm sau sẽ vẫn là giai đoạn tương đối khó khăn cho hoạt động tài chính ngân hàng với nhiều biến động.
Xu thế lãi suất cao của đồng USD tiếp tục duy trì chưa rõ ràng thời điểm giảm, các đồng tiền quốc tế, giá dầu, giá vàng dễ biến động mạnh trước những bất ổn chính trị. Lãi suất tiền gửi VND có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tỷ giá sẽ có nhiều biến động, bị nhiều áp lực lên do chênh lệch lãi suất USD-VND và kỳ vọng biến động theo giá trị động USD. Mặt khác, việc kiểm soát nợ xấu và đảm bảo chất lượng tài sản, quản trị rủi ro sẽ tiếp tục là bài toán của các ngân hàng. Trong khi đó, tín dụng được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng chậm và thận trọng, đi cùng với chất lượng giải ngân cho vay theo chỉ đạo của NHNN vào các ngành, lĩnh vực được ưu tiên.
Thích ứng với tình hình còn nhiều biến số, năm 2024, TPBank đặt mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững, tăng cường vị thế là một ngân hàng uy tín, hiệu quả, chất lượng. Ngân hàng sẽ tập trung vào quản lý chất lượng danh mục tín dụng, kiểm soát nợ xấu, tăng cường bán chéo sản phẩm, tăng thu nhập ngoài lãi. Đồng thời, ngân hàng sẽ quản lý tốt tài sản, hài hòa giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn bảo đảm hiệu quả hoạt động tối ưu.
TPBank sẽ không chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN tiếp tục triển khai các chính sách cho vay, giải ngân vào các ngành nghề ưu tiên trong hạn mức tín dụng được giao, bảo đảm quy định về an toàn vốn, mà còn số hóa và xanh hóa đồng thời các hoạt động tài chính, kinh doanh của ngân hàng. Các chương trình của TPBank hướng đến các khách hàng có nhu cầu thực chất, ưu tiên tín dụng xanh, có lợi cho sự phát triển bền vững và vì con người.