M&A: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2021, dịch bệnh kéo dài đã “bào mòn” sức lực của nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn là các cơ sở thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Trong đó, gần 120.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 17,8% so với năm 2020; bình quân mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2021 có 31.660 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, phá sản, chiếm tới 26,4% số doanh nghiệp “rút lui” của cả nước.
Để tiến hành M&A hiệu quả thì doanh nghiệp hoặc cá nhân có vốn nhỏ cần phải có thực lực, chiến lược có tầm nhìn trung và dài hạn |
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, trước những diễn biến, thay đổi khó lường, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19 phải tiến hành thay đổi phương thức hoạt động, tái cấu trúc nhằm hạn chế tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để tạo ra động lực mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thay đổi, tái cơ cấu lại bộ máy được xem là cách phương thức hiệu quả được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Tuy nhiên, để phát huy, tận dụng được giá trị, lợi ích mà M&A đem lại, đồng thời hạn chế những rủi ro có thể xảy ra khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa bị triệt tiêu, thâu tóm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt rõ ưu, nhược điểm của hoạt động này.
Bàn về vấn đề này, LS. Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Luật YNH cho biết, sáp nhập là sự liên kết giữa các doanh nghiệp thường có cùng quy mô với nhau để tạo ra một doanh nghiệp mới. Công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới.
Trong khi đó, mua lại sẽ giúp doanh nghiệp quy mô lớn mua các doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn để trở lên lớn mạnh, song doanh nghiệp bị mua lại vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ và doanh nghiệp mua lại sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp mình mới mua lại.
Có nhiều lý do để các doanh nghiệp quyết định lựa chọn M&A, bao gồm việc giúp tăng giá trị doanh nghiệp, tạo ra giá trị tăng thêm nhờ giảm chi phí, mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới. Giá trị cộng hưởng sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh hiệu quả và giá trị doanh nghiệp sau M&A được tăng lên. Ngoài ra, M&A cũng giúp nâng cao quy mô doanh nghiệp, giúp thâm nhập được vào thị trường mới, có thêm dây chuyền sản xuất, sản phẩm mới hoặc mở rộng phạm vi phân phối, mở thêm chi nhánh, các dự án…
Mặt khác, M&A giúp giảm chi phí nhân lực, cải thiện nguồn lực tài chính và nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật cho bản thân mỗi doanh nghiệp.
Ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng Giám đốc Kido chia sẻ, để tiến hành M&A hiệu quả thì doanh nghiệp hoặc cá nhân có vốn nhỏ cần phải có thực lực, chiến lược và quan trọng nhất là có tầm nhìn trung và dài hạn. Đối với nguồn tài chính, nếu không đủ mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, quỹ tài chính, ngân hàng đứng sau để tài trợ vốn, bảo lãnh dự án đầu tư.
“Muốn thành công trong M&A thì doanh nghiệp trước tiên phải hiểu rõ các khó khăn, hạn chế của công ty để đối tác mua có thể cùng chia sẻ và hỗ trợ phát triển quá trình M&A đạt được mục tiêu mong muốn, cũng như thể hiện rõ được thế mạnh để thu hút và chứng minh giá trị vốn có của công ty để nhà đầu tư quan tâm, từ đó đưa ra quyết định đồng hành, hợp tác hay không”, ông Danh chia sẻ thêm.
Một số chuyên gia nhận định, thực tế hiện nay, hoạt động M&A không chỉ xuất phát từ nhu cầu mở rộng, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn do chủ doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi, hoặc đến giai đoạn muốn nghỉ hưu, giảm tải nhưng không có người thân tiếp quản, hết khả năng quản lý… hoặc muốn rút vốn để đầu tư vào lĩnh vực khác có mức sinh lời cao hơn.
Song, dù vì lý do gì đi chăng nữa thì trước khi đưa ra quyết định M&A, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ tới những cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, nhằm tìm kiếm, tận dụng những cơ hội cho hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai.
Hoạt động M&A thường được phân loại theo 3 hình thức chính là M&A “chiều ngang”, tức là các doanh nghiệp cung cấp các dòng sản phẩm và dịch vụ giống nhau hoặc tương tự cho người tiêu dùng cuối cùng. Các doanh nghiệp này có cùng ngành nghề, giai đoạn sản xuất và thường là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Trong khi đó, M&A “chiều dọc” là hình thức mà các doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất, cùng một dịch vụ nhưng khác nhau về giai đoạn sản xuất. Còn M&A “kết hợp” là hình thức mua bán và sáp nhập để hình thành, phát triển nên các tập đoàn. |