Thẻ ngân hàng Việt: Chuyển đổi để bắt kịp hội nhập
Với thông điệp “Thanh toán thẻ - Cơ hội và thách thức trong thời kỳ số hóa các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt”, Hội nghị có sự tham gia hưởng ứng của các đại diện Sở, Ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng đại diện các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, cho biết số lượng thẻ lưu hành tính đến hết 30/6/2020 gần như không thay đổi so với cuối năm 2019, do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng thẻ phát hành mới trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 10 triệu thẻ.
Hầu hết các loại thẻ đều ghi nhận tăng trưởng âm về số lượng thẻ phát hành mới so với cùng kỳ, trừ thẻ tín dụng quốc tế và thẻ ghi nợ quốc tế vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt. Thậm chí, tăng trưởng thẻ ghi nợ quốc tế 6 tháng đầu năm 2020 là 24%, cao hơn năm 2019 (tăng 23%).
Thẻ tín dụng nội địa cũng ghi nhận tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy nhiên số lượng thẻ lưu hành còn rất hạn chế (dưới 200 nghìn thẻ). Số lượng thẻ lưu hành cuối năm 2019 đạt trên 100 triệu thẻ (tăng 16,5 triệu thẻ so với năm 2018), trong đó số lượng thẻ phát hành mới trong năm 2019 là 22 triệu thẻ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 giảm xuống 9% (tổng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường năm 2019 tăng 24%); tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ nội địa giảm xuống còn 6% trong 6 tháng đầu năm 2020 (năm 2019 tăng trưởng 19%); doanh số sử dụng thẻ quốc tế vẫn tăng tốt ở mức 22% trong 6 tháng đầu năm 2020 (năm 2019 tăng 47%).
Cơ cấu tỷ trọng doanh số sử dụng thẻ có dịch chuyển dần từ thẻ nội địa sang thẻ quốc tế và từ thẻ ghi nợ sang thẻ tín dụng và thẻ trả trước. Tỷ trọng sử dụng thẻ giảm ở hầu hết các chủng loại (trừ thẻ tín dụng, trả trước), dịch chuyển nhanh ở thẻ nội địa.
Trong khi đó, chi phí liên quan đến quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình đặt ra là rất lớn, như chi phí trang bị ATM/POS mới, chi phí chỉnh sửa và nâng cấp hệ thống thẻ/ hệ thống cá thể hóa thẻ, thiết bị đầu cuối, thời gian, nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi và đặc biệt là chi phí mua sắm phôi thẻ (lên đến hàng trăm tỷ đồng) do giá phôi thẻ chip theo chuẩn VCCS cao hơn nhiều lần so với giá phôi thẻ từ thông thường.
Với chi phí đầu tư chuyển đổi lớn, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tính toán cân bằng hiệu quả chi phí để phê duyệt đầu tư mua sắm theo đúng quy định. Mức độ cạnh tranh và khả năng cung ứng của các nhà cung cấp phôi chưa cao, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tăng đột biến của tất cả các ngân hàng.
Đại diện của công ty JCB chia sẻ tại Hội nghị |
Các đại diện ngành Ngân hàng chia sẻ, số lượng nhà cung cấp phôi thẻ đủ tiêu chuẩn còn hạn chế, hiện chỉ có 3 đơn vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về chip nội địa, được NAPAS cấp chứng nhận là công ty Gelmato, MK và Idemia.
Đối với những dòng thẻ như thẻ liên kết sinh viên, thẻ liên kết với các đối tác có thiết kế hình ảnh thẻ đặc thù (có hình ảnh chủ thẻ phía truớc và các thông tin chi tiết về khóa học), thời hạn sử dụng ngắn (theo khóa học và ngắn hơn thời hạn thẻ chip), phạm vi sử dụng hẹp dưới dạng nội bộ nên việc chuyển đổi sử dụng phôi thẻ chip dẫn đến lãng phí.
Việc thực hiện chuyển đổi phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng và hợp tác của chủ thẻ nội địa. Tuy nhiên, khái niệm thẻ chip nói chung, thẻ chip không tiếp xúc (chip Contactless) nói riêng còn khá mới mẻ với người dân, hạ tầng thanh toán thẻ Contactless và mạng lưới chấp nhận thẻ chip nội địa nói chung còn hạn chế cũng cản trở và ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ, lộ trình chuyển đổi của các ngân hàng.
Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc nói trên, Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam đề xuất NHNN xem xét gia hạn lộ trình chuyển đổi đối với cả hai mảng phát hành và thanh toán thẻ (ATM/ EDC) do lượng thẻ nội địa cần chuyển đổi, số ATM/EDC cần mua sắm/thay thế/nâng cấp mới trên thị trường là rất lớn.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, đảm bảo hiệu quả cho nền kinh tế, đề xuất NHNN xem xét và có các chính sách, phương án hỗ trợ cụ thể như: Xem xét điều chỉnh phạm vi các loại thẻ bắt buộc chuyển đổi, đề xuất không chuyển đổi và không bắt buộc phát hành thẻ chip đối với dòng thẻ liên kết sinh viên, thẻ liên kết đối tác có phạm vi sử dụng hẹp (chỉ sử dụng tại 1 đơn vị cung cấp dịch vụ); Xem xét phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế giá phí phù hợp với các đơn vị cung cấp phôi thẻ cho các ngân hàng trong giai đoạn triển khai chuyển đổi thẻ nội địa; Xem xét xây dựng và sớm ban hành quy định về việc chuyển đổi trách nhiệm khi phát sinh rủi ro đối với thẻ chip nội địa (luật chip liability shift) để đảm bảo quyền lợi, tránh rủi ro cho cho các ngân hàng tích cực triển khai phát hành và chuyển đổi thẻ chip nội địa, từ đó làm động lực thúc đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi.