Thêm hỗ trợ để tham gia chuỗi cung ứng
Tín dụng gắn kết chuỗi cung ứng hàng hóa | |
Thúc đẩy dòng vốn vào chuỗi cung ứng | |
Nâng cao năng lực kết nối của DN vào chuỗi cung ứng |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu tổng quát của chương trình là nhằm hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Sẽ có 6 nhóm ngành được hỗ trợ phát triển theo mô hình cụm liên kết, chuỗi cung ứng giai đoạn 2021-2025 |
Tại dự thảo tờ trình về việc xây dựng Chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025, Bộ KH&ĐT cho biết, chương trình này nhằm cụ thể hoá Luật Hỗ trợ DNNVV và các nghị định hướng dẫn thi hành vào thực tiễn. Bên cạnh đó, cũng là bước cụ thể hoá chính sách nhằm thực hiện Quyết định 121/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó đưa ra các gói hỗ trợ cho DNNVV để tận dụng cơ hội và lợi ích từ các FTA.
Đại diện của VCCI chia sẻ, năm 2017, Quốc hội lần đầu tiên ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV với rất nhiều kỳ vọng, bởi luật đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ từ tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tư vấn và pháp lý, nguồn lực… Ngoài 7 chính sách hỗ trợ chung, còn 3 chính sách hỗ trợ mục tiêu: hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Mặc dù có hiệu lực từ 1/1/2018 song việc thực hiện luật chưa đều, chưa rộng khắp và triệt để. Một số địa phương đã thực hiện tốt nhưng một số địa phương chưa thực hiện tốt. Đây cũng là thách thức để các địa phương chưa thực hiện tốt cần phải có chính sách để hỗ trợ cho DNNVV.
Bên cạnh đó, sau hơn 3 năm Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp và sau 2 năm tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, thì phong trào khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới đã diễn ra hết sức sôi động và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp (start-up) sáng tạo đang hoạt động. Trong đó có nhiều start-up thành công, được rót vốn hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, hoạt động khởi nghiệp nói chung còn mang tính phong trào, bề nổi và tự phát.
1 trong 3 nhóm giải pháp trọng tâm hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật là hỗ trợ DNNVV tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhưng đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đang rất lúng túng trong việc thực hiện. Các đề án, kế hoạch của địa phương có đề cập đến giải pháp này, nhưng lại không quy định rõ ngành/lĩnh vực/sản phẩm nào có tiềm năng, là thế mạnh được xác định, lựa chọn để hỗ trợ phát triển theo mô hình chuỗi cung ứng.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù một số chuỗi liên kết đã dần hình thành tự phát, do tự thân nhu cầu phát triển của các nhóm DN và đã có một số kết quả, tuy nhiên còn ít về số lượng và nhỏ về quy mô, vì vậy hoạt động thiếu hiệu quả. Các DN hoạt động nhỏ lẻ, phân tán, chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tỷ trọng đóng góp của các DN trong nước vào tổng kim ngạch xuất khẩu còn ít, mối liên kết giữa các DN tư nhân trong nước và DN FDI còn yếu; sự chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước không đáng kể. Hiện tại, chỉ 21% DNNVV Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% DNNVV đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài, mặc dù số lượng FDI đầu tư trong nước là rất lớn.
Vì vậy, tại dự thảo chương trình, Bộ KH&ĐT đã tập trung vào việc hỗ trợ các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong giai đoạn 2021-2025. Chương trình lựa chọn các ngành tiềm năng để hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị dựa trên các tiêu chí cụ thể: Thứ nhất, đóng góp cao trong tổng sản phẩm GDP của quốc gia/ngành/địa phương (trên 3 tỷ USD/năm đối với quốc gia và 1 tỷ USD/năm đối với địa phương); Thứ hai, tạo ra khối lượng việc làm lớn cho người lao động (trên 80.000 việc làm/năm/ngành); Thứ ba, đóng góp cao trong kim ngạch xuất khẩu (trên 5 tỷ USD/năm); Thứ tư, có mật độ DNNVV tham gia cao và có tiềm năng kết nối với các DN lớn gồm DN FDI và DN trong nước.
Chương trình dự kiến lựa chọn 6 nhóm ngành để hỗ trợ phát triển theo mô hình cụm liên kết, chuỗi cung ứng giai đoạn 2021-2025, bao gồm điện tử; cơ khí chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông; dệt may; da giày; nông, lâm, thuỷ sản.