Thêm sáng kiến thúc cải cách
Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất vừa được khởi động sáng ngày 22/12, nhằm vào các quy định pháp luật có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây là sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững (RCV).
Ảnh minh họa |
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, sở dĩ cuộc bình chọn nhằm vào các văn bản quy phạm pháp luật là bởi các yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn của DN hiện nay không chỉ là khả năng cạnh tranh, chất lượng hàng hoá… mà còn là các quy định của pháp luật.
Có nhiều quy định tác động tốt, song ngược lại cũng có không ít quy định ảnh hưởng xấu, làm DN lụi bại, thậm chí phá sản các ngành hàng. Vì vậy chương trình kỳ vọng vào việc cổ vũ, biểu dương các quy định tốt, đồng thời cảnh báo các quy định chưa phù hợp để kịp thời sửa đổi hoặc dừng ban hành.
“Đây như là cái phanh, để các nhà soạn thảo biết nếu ông ban hành chính sách xấu sẽ bị bêu gương, khiến họ e ngại, chần chừ và cân nhắc kỹ hơn trước khi ban hành chính sách”, ông Tuấn khẳng định.
Xa hơn, mục tiêu của cuộc bình chọn là nhằm thiết lập kênh giám sát, sửa đổi ban hành chính sách. Ban tổ chức hướng tới việc nâng cao vai trò của DN và người dân trong giám sát quá trình thiết kế chính sách. Mục tiêu khác là thông qua bình chọn để liên kết DN cùng vận động chính sách, bảo vệ môi trường kinh doanh, cùng nhau liên kết và có tiếng nói chung.
Trước mắt, ban tổ chức hy vọng có thể kịp thời thu thập ý kiến DN về các điều kiện kinh doanh vô lý, giấp phép phiền hà, ảnh hưởng bất lợi tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua.
Ông Tuấn nêu ra 10 tiêu chí đánh giá chất lượng văn bản để người tham gia bình chọn căn cứ vào đó chấm điểm văn bản có chất lượng tốt hay tồi như tính cần thiết, tính khả thi, tính hợp lý, tính thống nhất, tính minh bạch…
Những tiêu chí này dựa trên những nút thắt hiện tại như nhiều văn bản ban hành để tăng quyền cho bộ này, trao quyền cho bộ kia chứ không phải là đòi hỏi cấp bách của cuộc sống; xem xét chính sách có gây ra tác dụng phụ, hay cái giá mà xã hội phải trả có nhiều hơn so với mục tiêu mà cơ quan quản lý Nhà nước đạt được hay không. Quan trọng hơn là soi chiếu với thực tiễn, nguồn lực thực hiện, chất lượng công chức thì văn bản ban hành ra có đảm bảo vận hành tốt không…
Các tiêu chí cũng hướng tới đo lường chi phí tuân thủ của DN, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ban tổ chức cho biết, thời điểm ban hành, có dẫn đến chậm ban hành, hoặc ban hành không đúng thời điểm, gây thiệt hại cho xã hội, hoặc thời điểm để văn bản có hiệu lực quá ngắn, khiến DN không kịp chuẩn bị thì văn bản cũng không thể được đánh giá là tốt.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương thẳng thắn nói, phần đông người đứng đầu các bộ, kể cả các bộ quan trọng không quan tâm đến cải cách thể chế, nâng cao chất lượng các quy định pháp luật, trong khi nhiệm vụ hàng đầu hiện nay đáng nhẽ phải là cải cách thể chế. Do đó ông Cung quả quyết không thể ngồi chờ các bộ thay đổi, thay vào đó cần tìm ra cách thức để thúc ép và đẩy mạnh cải cách, mà cuộc bình chọn, theo ông sẽ là sáng kiến tốt để đẩy nhanh quá trình này.
Chính vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kỳ vọng, sáng kiến này sẽ tạo động lực, đồng thời là áp lực để thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh vốn đang có dấu hiệu chững lại.