Theo sát diễn biến thị trường vàng
Giá vàng lên đỉnh 7 năm: Lý giải nguyên nhân | |
Thị trường vàng 25/2: Giảm sâu trở lại |
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona gây nên (Covid-19) ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm cho giá vàng tăng nhanh và đột biến trong thời gian gần đây. Giá vàng thế giới biến động với mức độ lớn khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước phải nới rộng khoảng cách giữa giá mua và giá bán để ngăn chặn rủi ro thua lỗ.
Đơn cử, 15g ngày 24/2, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào vàng miếng SJC là 47,8 triệu đồng/lượng trong khi bán ra với giá 49 triệu đồng/lượng. Chiều ngày 25/2 giá vàng thế giới giảm mạnh kéo giá mua – bán vàng miếng SJC xuống còn 45,8/46,8 triệu đồng/lượng (giảm hơn 2 triệu đồng mỗi lượng so với ngày trước đó) nhưng khoảng cách chênh lệch giá mua vào bán ra vẫn giãn rộng 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên qua quan sát thị trường, mặc dù giá vàng tăng nhưng không có tình trạng khách hàng xếp hàng rồng rắn chờ mua bán vàng. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong tuần từ 17-22/02/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ. Trên thị trường trong nước, giao dịch mua, bán vàng miếng vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng trong nước bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Đặc biệt, sự biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, tỷ giá trung tâm và tỷ giá niêm yết trong các NHTM những ngày qua có tăng, song chủ yếu do đồng USD đang tăng giá khá mạnh trên thị trường thế giới.
Cụ thể: tỷ giá trung tâm do NHNN ban hành ngày 13/2 ở mức 23.206 sau đó tăng lên 23.234 đồng/USD ngày 20/2 và tăng tiếp lên 23.243 đồng/USD trong ngày 24/2 và ngày 25/2 lại tiếp tục tăng lên 23.245 đồng/USD (tăng 0,16 điểm phần trăm). Trong cùng thời gian này tỷ giá niêm yết trong các NHTM cũng tăng nhẹ, Vietcombank niêm yết giá mua vào bán ra 23.130/23.300 đồng/USD (ngày 13/2) đến ngày 25/2 tăng lên 23.180/23.350 đồng/USD (tăng 0,21 điểm phần trăm). Trong khi đó, đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế bật tăng khá mạnh, chỉ số USD Index đang ở mức 99,27% trong khi đầu tháng 1/2020 chỉ ở mức 97%.
Điều này thêm một khẳng định vàng-đô đã dứt gãy mối liên kết chứ không như trước đây, mỗi khi giá vàng tăng, giới đầu cơ lại vét ngoại tệ ngoài xã hội để nhập lậu vàng, đẩy tỷ giá tăng theo và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý ngoại hối.
Một chuyên gia ngân hàng tự tin khẳng định, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ nguồn giải ngân vốn FDI, FII, nguồn kiều hối… cộng thêm sự điều hành chủ động, linh hoạt cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN, tỷ giá sẽ ổn định.
Quay trở lại với thị trường vàng, ông Nguyễn Hoàng Minh đánh giá, diễn biến thị trường vàng vừa qua cho thấy, với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra sáng 25/2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, biến động giá vàng trong nước chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý. Hôm nay (25/2), giá vàng quốc tế giảm và giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn. “NHNN vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, mặc dù thị trường này không còn tác động đến ổn định vĩ mô. Nếu thị trường có diễn biến gây bất ổn, NHNN sẽ can thiệp khi cần thiết”, Thống đốc NHNN khẳng định.