Thị trường bất động sản bắt đầu “sáng” hơn
Số liệu thống kê của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, trong quý III/2021, nguồn cung nhà ở sơ cấp khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 18% theo quý và 70% theo năm. Trong đó có 11 dự án đang tạm ngưng bán, trong khi nguồn cung mới bị hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp. Nguồn cung mới đạt khoảng 350 căn đến từ một dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu, giảm 78% theo quý và 95% theo năm. Lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ cũng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng lượng giao dịch chỉ hơn 400 căn, giảm 70% theo quý và 94% theo năm, trong khi tỷ lệ hấp thụ đạt 14%, giảm 23 điểm phần trăm theo quý và 58 điểm phần trăm theo năm…
Ảnh minh họa |
Đánh giá về những tác động của đại dịch Covid-19 lên phân khúc BĐS nhà ở, TS. Sử Ngọc Khương nhận định, trên bình diện vĩ mô, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy một số những mặt tích cực mà đại dịch có thể mang tới. Tại Việt Nam, các đô thị lớn như TP. HCM, Bình Dương, Hà Nội có mật độ quy hoạch hoá cao, nên khi dịch bệnh bùng phát thì tốc độ lây lan rất nhanh, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống hàng ngày. Do đó, về mặt tích cực sau đại dịch các nhà quy hoạch đô thị sẽ có cơ hội nhìn lại cách phát triển quy hoạch sao cho hiệu quả nhất. Các đô thị lớn ở những nước có quy hoạch thành phố cách xa nhau trên thế giới, giữa các thành phố là rừng hoặc khu đất trống thì tốc độ lây truyền dịch bệnh rất thấp. Ngược lại ở nhiều quốc gia, những thành phố có mật độ dân số cao ở khu vực đô thị thì khi dịch bệnh diễn ra tốc độ lây truyền rất lớn.
Mặt tích cực thứ hai là qua dịch bệnh này, các nhà hoạch định kinh tế nói chung, các nhà phát triển BĐS nói riêng sẽ có cơ hội nhìn nhận lại chiến lược trung dài hạn. Vì bất cứ chu kỳ hoạt động kinh tế nào cũng có suy và thịnh và suy có thể bởi nguyên nhân từ khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh… Đặc biệt dịch bệnh sẽ là một trong những điều mà các nhà hoạch định kinh tế đặc biệt là ở tầm quốc gia cần xem xét cho định hướng phát triển của các ngành kinh tế khi có sự cố xảy ra. Riêng đối với những nhà phát triển BĐS thì đây là bài học để họ cân nhắc, nhìn lại trong những trường hợp bất khả kháng xảy ra thì sức đề kháng của doanh nghiệp ở đâu và cần làm như thế nào để tránh tình trạng kiệt quệ, khó có thể vực dậy được. Trong thời gian Covid-19 vừa qua có những doanh nghiệp phá sản và không bao giờ vực dậy được. Rõ ràng, đây là bài học “xương máu” dành cho các nhà làm chính sách cũng như các nhà kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh BĐS xem lại chiến lược dài hạn của mình.
“BĐS luôn là một bộ phận của nền kinh tế. Do vậy, nền kinh tế phục hồi thì khu vực BĐS mới được có thể quay trở lại quỹ đạo. Bên cạnh đó, để các dự án BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở có thể phục hồi và phát triển một cách nhanh chóng, cần có những biện pháp tốt hơn giải quyết những khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước” - TS. Khương phân tích thêm.
Nhận định về việc xu hướng thay đổi của thị trường BĐS hậu đại dịch, một số chuyên gia đưa ra quan điểm, từ nay đến đầu 2022 sẽ không có nhiều thay đổi lớn đối với thị trường. Tuy nhiên cần lưu ý, việc các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch lướt sóng đẩy giá trong thời gian tới sẽ không mấy khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh. Đối với nhóm đầu tư cá nhân, nếu nhu cầu nhà ở bức thiết, nguồn tiền mua nhà có sẵn từ trước và không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế, thì đây là một cơ hội tốt để mua nhà, vì khi có tích lũy trong thời gian dài, nguồn tiền đảm bảo an toàn thì không lý do gì có thể trì hoãn người mua nhà thực hiện an cư lạc nghiệp và đón Tết vui vẻ tại căn nhà mới. Tuy nhiên, đối với nhóm đầu tư lướt sóng hay nhóm đầu tư ngắn hạn, đây lại chưa phải là thời điểm thích hợp bởi thị trường vẫn còn chứa ẩn nhiều rủi ro, cần có sự điều chỉnh đúng hướng hơn.