Thị trường bất động sản TP.HCM: Những tín hiệu hồi phục tích cực
Nguồn cung căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh thấp nhất trong 5 năm |
Thị trường bất động sản TP.HCM đã gặp khó trong nhiều năm qua. Cụ thể là số lượng dự án theo xu hướng giảm. Tiến độ thực hiện một số dự án kéo dài, dự án mới ngày càng thưa thớt. Nếu như năm 2018, thị trường giảm cung nghiêm trọng, thì sang năm 2019, tình hình tiếp tục xấu hơn, còn đến năm 2020 thì đại dịch Covid-19 càng khiến thị trường bất động sản thành phố thêm trầm trọng về nguồn cung. Tuy nhiên cùng với đó, tỷ lệ hấp thu của thị trường vẫn rất tốt với những người có nhu cầu ở thực, đặc biệt là với phân khúc giá thấp.
Nói về tình hình hoạt động thị trường quý II của TP.HCM, dữ liệu từ DKRA - một công ty có uy tín cao về bất động sản vừa công bố cho thấy có những tín hiệu hồi phục tích cực, khi nguồn cung, lượng tiêu thụ mới ghi nhận có sự tăng lên đáng kể so với quý trước và được thể hiện rõ ở hầu hết các phân khúc. Mặt bằng giá không có nhiều biến động, thanh khoản của thị trường vẫn ở mức khá thấp so với thời điểm cuối 2019.
Trong đó, phân khúc đất nền đang chứng kiến khan hiếm nguồn cung mới. Trong quý II có 3 dự án đất nền ra mắt, cung cấp khoảng 193 nền, tăng 10% so với nguồn cung mới của quý I, bằng 66% so cùng kỳ 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 53%, bằng 73% so với quý I và bằng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp và các cơ quan hữu quan, tháo gỡ những điểm nghẽn lớn |
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của DKRA, 100% nguồn cung mới lẫn tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới của quý thuộc về khu Tây thành phố, chủ yếu tập trung ở các quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân. Cùng với đó, thời gian qua, tại khu Đông thành phố cũng diễn ra một số hoạt động mở bán, giới thiệu dự án, nhưng số lượng rất ít.
Điều này được lý giải là bởi hiện tại các dự án ở khu vực trung tâm không còn nhiều do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nên các dự án hạ tầng có kết nối các vùng vệ tinh với TP.HCM ngày càng phát triển tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Xu hướng này đã manh nha từ khá lâu và nay càng mạnh hơn do giao thông hạ tầng kết nối tốt hơn. Thời gian tới, khi cả 8 tuyến metro đi vào hoạt động, cùng tuyến đường sắt chuyên dụng vận tải hàng hoá, thì tình trạng ùn tắc vào cửa ngõ TP.HCM sẽ được cải thiện đáng kể. Một khi thành phố phía Đông TP.HCM có quyết định thành lập, khi các huyện có khả năng thành quận, thành phố sẽ có thêm lực gia tốc mới đẩy thị trường vượt ngưỡng hiện nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định.
Ở chiều ngược lại, liên kết vùng, hạ tầng vùng, hạ tầng vành đai, các tuyến metro hay vận tải công cộng hướng tâm phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các vùng ngoại vi, các khu công nghiệp kết nối hướng tâm tốt hơn.
Trong 5 năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ đã khiến Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu trở thành một cực đối trọng của TP.HCM chứ không còn là vệ tinh phụ thuộc hạt nhân TP.HCM nữa. Ngoài yếu tố đất đai, con người, các tỉnh này còn có hạ tầng kỹ thuật thuận lợi. Ví dụ, Đồng Nai có sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành, cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch… đủ sức hút dân về đây sinh sống, GS – TS. Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM dẫn chứng.
Cùng với đó, mặt bằng giá sơ cấp đất nền tại TP.HCM vẫn ở mức cao cũng là lực đẩy buộc nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới với các sản phẩm đất nền tại các tỉnh lân cận với mức giá phù hợp. Các chuyên gia cũng đồng tình rằng, đất nền khu vực này có mức giá “mềm” là do quỹ đất sạch nơi đây còn dồi dào. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh sẵn sàng tìm kiếm quỹ đất lớn hơn với những dự định đầu tư tầm cỡ, đang tạo động lực kéo khách hàng tới đây với kỳ vọng dư địa sinh lời còn cao.
Trong khi các sản phẩm như nhà phố cho thuê, trung tâm thương mại, khách sạn, nhất là khu vực trung tâm thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thì bất động sản công nghiệp đang có nhu cầu lớn trong thời gian tới do doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển đến đầu tư tại Việt Nam.
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng thành phố đã cấp phép huy động vốn cho 16 dự án nhà ở (quy mô huy động vốn khoảng 20.000 tỷ đồng), giảm 42 % so với cùng kỳ năm 2019 với 5.500 căn hộ được phép bán nhà ở trong tương lai, trong đó căn hộ cao cấp, trung cấp chiếm 70%, đại diện Công ty CBRE Việt Nam cho biết.
Thực tế cho thấy, vị trí giao thương chiến lược giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ rõ ràng được sở hữu sức mạnh kết nối khi dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch trọng điểm của khu vực như TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - Phan Thiết.
Theo các chuyên gia, nếu hạ tầng kết nối tốt, các địa phương phát triển các khu kinh tế mới gắn liền với việc phát triển các khu đô thị quy mô tại các khu đô thị vệ tinh với nhiều tiện ích, dịch vụ cho dự án, thì khả năng sinh lợi từ các dự án này sẽ thực sự hiệu quả.
Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp và các cơ quan hữu quan, tháo gỡ những điểm nghẽn lớn, không chỉ về hạ tầng giao thông mà còn cả về chính sách, xung đột pháp lý.
Cùng với đó, thành phố cũng đã có định hướng phát triển nhà ở cho từng khu vực. Theo đó sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho dự án nhà ở, pháp lý đất đai đảm bảo thủ tục thông suốt, đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Ngăn chặn, xử lý các thông tin về dự án bất động sản không chính xác để hạn chế rủi ro cho người mua, Sở Xây dựng thành phố thông tin thêm.