Thị trường M&A chỉ chững lại tạm thời
Theo dữ liệu của KPMG, 10 tháng năm 2022, tổng giá trị các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) của Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy thị trường M&A từ đầu năm đến nay đã rơi vào trầm lắng hơn so với các năm 2020-2021.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bày tỏ hy vọng sự chững lại của thị trường M&A chỉ mang tính tạm thời và sẽ sớm hồi phục. Bởi theo ông, Việt Nam vẫn giàu tiềm năng để kích hoạt những cơ hội mới.
Năm 2022, bối cảnh trong nước và thế giới có thuận lợi và khó khăn đan xen, dù vậy nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các cân đối vĩ mô lớn được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 8%. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và được thông qua mục tiêu năm 2023: kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%...
Khả năng điều hành, với các giải pháp ứng phó của Việt Nam trước các biến động của tình hình kinh tế khu vực và thế giới, tiếp tục được nâng cao. Đây là cơ sở đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc 2024-2025.
Thứ trưởng Phương cho rằng, việc giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế là nền tảng quan trọng thu hút đầu tư và tạo động lực để thị trường M&A tiếp tục phát triển. Đây cũng là động lực lớn giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, an toàn trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về triển vọng thị trường trong năm 2023, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng đây sẽ là năm khó khăn đối với nhà đầu tư để đoán định các xu hướng chính sẽ diễn ra trên thị trường M&A. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu tăng trưởng, ổn vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nhưng toàn cầu còn nhiều yếu tố khó đoán định, các biến động về thị trường vốn đang tạo ra nhiều sự bất trắc cho nhà đầu tư.
“Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì việc tăng hay giảm là không quá quan trọng, vì phần lớn nhà đầu tư vẫn tìm cách duy trì đầu tư và tạo lợi nhuận nhất định. Tôi cho rằng xu hướng chung là mức độ bất trắc dần giảm xuống, trong khi còn rất nhiều tiền bạc trên thế giới đang tìm nơi trú ẩn hay sinh lời”, ông Warrick Cleine bày tỏ lạc quan.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đều có chung nhận định thị trường M&A trầm lắng ở thời điểm hiện tại không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” trong thời gian tới. Thời điểm này là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn. Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động.
Về lĩnh vực thu hút đầu tư, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua. Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khi có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, sắp đi đến giai đoạn chốt vào năm 2023.
Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2021-2022 1. Ngân hàng UOB (Singapore) mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam. 2. Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) mua 49% cổ phần VPBank tại FE Credit. 3. Thương vụ trị giá 280 triệu USD - Công ty TNHH The Sherpa (thuộc Masan Group) mua lại 85% Phúc Long Heritage. 4. Thaco mua lại siêu thị E-Mart của Hàn Quốc tại Việt Nam. 5. CVC Capital Partners mua 60% cổ phần Phương Châu Group (chủ đầu tư chuỗi Bệnh viện Quốc tế Phương Châu ở Cần Thơ, Sa Đéc- Đồng Tháp và Sóc Trăng). 6. Tập đoàn Shinhan (Hàn Quốc) mua 10% Tiki Global, trị giá 88 triệu USD, trở thành cổ đông chiến lược của Tiki Global và gián tiếp nắm giữ vốn trong trong Công ty TNHH TiKi. 7. Thương vụ Hợp nhất CTCP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh (DTE), Công ty B.Grimm Power Public Company Limited (B.Grimm - Thái Lan) và Xuân Cầu Group trong Dự án Dầu Tiếng Tây Ninh 1. 8. Thương vụ CTCP Phát triển và Thương mại Binh Dương (TDC) chuyển nhượng dự án Nhà ở thương mại Ngân Hà (Uni Galaxy) cho Gamuda Land (HCMC) của Malaysia. Thương vụ trị giá 53,8 triệu USD. 9. Thương vụ Novaland nhận 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. 10. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái hết phần vốn Nhà nước tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC). |