Thị trường mua trước trả sau nở rộ
Mastercard ra mắt thẻ thương mại "Mua trước, trả sau" dành cho doanh nghiệp nhỏ Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến đạt hơn 1,1 tỷ USD trong năm nay |
Sân chơi “nóng” lên từng ngày
Kredivo vừa hợp tác với OnePay mang dịch vụ mua trước trả sau đến thị trường Việt Nam. Hợp tác với trung gian thanh toán, nhà đầu tư đến từ Indonesia này có thể kết nối với 4.000 nhà bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam để phát triển các khoản cho vay. Đánh dấu bước đầu hợp tác, Kredivo và OnePay đã tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn bao gồm giảm 50% tối đa 100.000 cho khách hàng mới và giảm 5% tối đa 500.000 VND cho đơn hàng từ 700.000 VND, kỳ hạn 6 và 12 tháng. Thanh toán áp dụng cho các nhà cung cấp/đối tác hàng đầu của OnePay như Samsung.vn (top 10 tập đoàn công nghệ toàn cầu), Meta.vn (top 12 trang thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam). Chỉ với 2 bước thanh toán cuối cùng qua Kredivo, người dùng có thể thanh toán liên tục và lựa chọn trả sau trong 30 ngày hoặc 3 tháng không lãi suất trong kỳ hạn hoặc lãi suất thấp khi thanh toán trong vòng 6 tháng hoặc 12 tháng.
Thanh toán di động phát triển cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường mua trước trả sau |
Câu chuyện hợp tác của Kredivo với OnePay là một dẫn chứng cho thấy sân chơi mua trước trả sau đang nóng lên. Mặc dù mới chỉ ghi nhận phát triển mạnh trong vòng vài năm trở lại đây, nhưng thị trường này đã có tốc độ tăng trưởng “chóng mặt” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn là các công ty tài chính, startup công nghệ và sàn thương mại điện tử.
Đơn cử, đối với nhóm công ty tài chính, những năm qua, LotteFinance, FE Credit… đã lần lượt hợp tác với các ví điện tử như Viettel Pay, ZaloPay để cấp hạn mức chi tiêu các khoản nhỏ cho khách hàng. Home Credit cũng đã đầu tư 200 tỷ đồng vào Home Pay Later, đồng thời liên kết với Tiki để thực hiện các hoạt động mua bán trả sau.
Ở nhóm các fintech, có khoảng hơn 20 startup như MoMo, Fundiin, Ree-pay, Kaypay, SmartPay… đều đang phát triển khá mạnh sản phẩm mua trước trả sau. Trong khi, nhóm các sàn thương mại điện tử, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á-Shopee gần đây đã công bố đầu tư dịch vụ mua trước trả sau “S Pay Later” cho phép người dùng thanh toán trả góp các sản phẩm với kỳ hạn linh hoạt. Sendo và Tiki vẫn duy trì hợp tác với Home Credit và Atome, thống lĩnh thị phần mua bán trả góp điện máy và đồ gia dụng.
Theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính cá nhân, ưu điểm nổi bật của thị trường mua trước trả sau là đáp ứng ngay nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ của người dân mà họ không phải chi trả ngay toàn bộ chi phí; thủ tục đơn giản không cần chứng minh thu nhập; đa dạng các hình thức thanh toán và áp dụng được với nhiều sản phẩm dịch vụ; trong vài năm tới thị trường mua trước trả sau sẽ là hình thức cho vay trực tuyến phát triển mạnh nhất trong số các hình thức cấp tín dụng cho lĩnh vực tiêu dùng.
Thị trường mua trước trả sau Việt Nam được Reasearch & Markets nhận định là sẽ có tốc độ tăng trưởng 45%/năm trong giai đoạn 2022-2028 và đạt quy mô 4,7 tỷ USD khi ngày càng nhiều người dân chọn hình thức này để mua sắm hàng hóa.
Nhiều lựa chọn cho người vay tiêu dùng
Theo khảo sát của Mastercard (thực hiện năm 2022) cho thấy 35% người tiêu dùng Việt Nam dự kiến sẽ lựa chọn hình thức mua trước trả sau và 49% lựa chọn khi mua các sản phẩm điện tử tiêu dùng.
Điều này cho thấy thị trường mua trước trả sau vẫn còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt, trong một vài năm tới nhóm khách hàng trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ 1997-2012) thạo sử dụng công nghệ sẽ bắt đầu có thu nhập cao hơn, đây sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng của thị trường này.
Tuy nhiên sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng vì thế cũng sẽ tăng lên, nhất là ở mảng thẻ tín dụng. Thực tế các NHTM cũng đã ý thức được sức nóng cạnh tranh từ hình thức mua trước trả sau. Một số ngân hàng đã bắt đầu mở rộng hợp tác với các fintech cho vay mua hàng trước trả nợ sau ở các nhóm khách hàng thu nhập thấp. Chẳng hạn, TPBank liên kết với Spay Laler (Shopee) và MoMo, CIMB liên kết với SmartPay để đưa ra sản phẩm mua trước trả sau trên các sàn thương mại điện tử…
Các chuyên gia cho rằng, với khả năng tài chính và kinh nghiệm hoạt động, hệ thống ngân hàng có nhiều lợi thế trong việc hạ chi phí để cạnh tranh khách hàng trong lĩnh vực mua trước trả sau. Các ngân hàng cũng có thể tăng cường các tùy chọn thẻ tín dụng hiện hữu để cung cấp một số loại tài chính linh hoạt, giúp thị trường mua trước trả sau trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, các quy định đảm bảo an toàn vốn của NHTM cao hơn và phân khúc khách hàng mua trước trả sau của ngân hàng qua phát hành thẻ tín dụng vẫn rất riêng biệt, không như nhóm khách hàng của các fintech.
Ở góc độ xu hướng, Allied Market Research ghi nhận mua trước trả sau đang lấn lướt khá mạnh mẽ thị phần của thẻ tín dụng tại nhiều thị trường châu Á. Chẳng hạn tại Ấn Độ, các fintech nổi lên trong dịch Covid-19 như LazyPay, Simpl… hiện đã chiếm lĩnh 70% thị phần mua trước trả sau ở quốc gia này. Tại Australia 14% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử đã do các hình thức mua trước trả sau đảm nhận. Tại Singapore, những cái tên như Atome, ShopBack và Grab hiện đang áp đảo thị phần mua trước trả sau đồng thời vươn mạnh thị phần ở các thị trường khác trong khu vực ASEAN.
Riêng tại Việt Nam, sau làn sóng ví điện tử phát triển mạnh mảng ở mảng trung gian thanh toán, đến nay một số ví điện tử có thị phần lớn như ZaloPay, MoMo đã cùng với đối tác ngân hàng phát triển sản phẩm mua trước trả sau ở phân khúc tiêu dùng. Bên cạnh đó mô hình cho vay ngang hàng, cho vay ứng lương… cũng đã phát triển khá mạnh trong bối cảnh NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech, trong đó có cho vay ngang hàng.
Tóm lại, thị trường mua trước trả sau đang có những điều kiện rất thuận lợi để tạo ra sức bật tạo thêm sự đa dạng cho lĩnh vực thanh toán trực tuyến trong cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi các NHTM cần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ trước nguy cơ chia sẻ thị phần vào tay các fintech và các nền tảng thương mại điện tử đa quốc gia.