Thiếu hành lang pháp lý cho tín dụng xanh phát triển
Tăng cường tín dụng xanh, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng Định vị vai trò của ngân hàng trong tăng trưởng xanh |
Thực tế Việt Nam là quốc gia sớm theo đuổi chủ trương phát triển bền vững với những chính sách và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất xanh phát triển. Từ năm 2012 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020… Cùng với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu tiên một công cụ kinh tế là tín dụng xanh đã được luật hóa trong định hướng phát triển, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. TS. Cấn Văn Lực nhận định, đây là cơ hội lớn cho các NHTM có thể đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh từ các nguồn vốn huy động được thông qua tham gia thị trường vốn quốc tế. Vì vậy thị trường đang chờ đón những quy định của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế để làm căn cứ xác định cấp tín dụng xanh trên toàn hệ thống TCTD.
Những năm gần đây tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đạt hơn 22%/năm nhưng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm dưới 5%/ tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế. Các NHTM đã, đang tích cực trao đổi và chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế với mục đích đa dạng nguồn vốn ưu đãi cho các dự án xanh; tài trợ vốn cho các dự án có xét đến ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Một số NHTM đã trở thành trung gian chuyển tải nguồn vốn xanh quốc tế cho các dự án chuyển hóa các bon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Dự án phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn vốn của WB với sự tham gia của các ngân hàng như BIDV Vietcombank, VietinBank, SHB HDBank đã, đang được triển khai hiệu quả. Hiện BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh tại Việt Nam với 1.386 khách hàng và dự án với tổng số vốn cam kết cấp tín dụng hơn 2,68 tỷ USD. Đây cũng là NHTM đầu tiên tại Việt Nam ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu BIDV, tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh hiện còn nhiều khó khăn thách thức đáng kể như: Về khung pháp lý, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý chính sách tổng thể, thống nhất liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh như tiêu chí môi trường và tiêu chí xác nhận khoản vay xanh dự án xanh; công cụ của chính sách tiền tệ - tín dụng để khuyến khích ngân hàng tham gia tài trợ dự án xanh. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý quản lý môi trường - xã hội, tín dụng xanh (là hai tiêu chí cơ bản trong quản lý ESG) đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, nên chưa có tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Do vậy các TCTD chưa có hành lang pháp lý để triển khai quản lý môi trường - xã hội trong tín dụng xanh; và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy trình quy định cơ chế chính sách ưu đãi và các sản phẩm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Một vấn đề khác, nếu các ngân hàng khó khăn trong công tác quản lý rủi ro môi trường - xã hội sau khi cho vay tín dụng xanh thì các doanh nghiệp triển khai sản xuất xanh cũng chịu thêm nhiều chi phí đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các dự án xanh tại Việt Nam thông thường là các dự án dài hạn, chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài, có thể lên đến 20 năm. Tỷ lệ cho vay tín dụng xanh trung dài hạn có thể lên tới 70 - 80% tổng dư nợ tín dụng xanh, trong khi các nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là huy động ngắn trung hạn, do đó sẽ có khó khăn cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn cho vay các dự án xanh; đồng thời các NHTM cũng phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo tuân thủ đúng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN.
Để phát triển tín dụng xanh, chuyên gia kiến nghị: Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, nhất là các quy định cụ thể về khái niệm tiêu chuẩn các ngành nghề lĩnh vực sang được ngân hàng cho vay theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, cùng với các văn bản hướng dẫn về xác nhận dự án đạt tiêu chí xanh, tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh. Theo đó, NHNN xem xét phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh và các quy định làm cơ sở để xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh. Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các TCTD và doanh nghiệp nói chung phát triển tín dụng xanh như: hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, phí; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; NHTM xanh được tăng hạn mức tín dụng; nghiên cứu thành lập Quỹ Tài chính xanh để quản lý huy động và phân bổ nguồn lực tài chính xanh hiệu quả và bền vững hơn…