Thoát nghèo bền vững nhờ vay vốn trồng cây ăn trái
Khi vốn ưu đãi là “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo | |
Hiệu quả tín dụng chính sách ở miền quê thuần nông | |
Tín dụng chính sách: Động lực giảm nghèo nơi đảo xa |
Cùng với cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Mai Sơn, chúng tôi đến xã Hát Lót, một trong những vựa trái cây lớn nhất của huyện Mai Sơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi trên địa bàn xã Hát Lót, nhà ít thì cũng có trăm gốc, nhà nhiều trồng tới cả nghìn gốc với nhiều loại trái cây như bưởi, nhãn, xoài, thanh long.
Ông Nguyễn Đắc Tuấn (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng nhãn với cán bộ NHCSXH huyện Mai Sơn |
Len vào giữa bạt ngàn vườn nhãn đang sắp tới kỳ thu hoạch là ngôi nhà khang trang của gia đình ông Nguyễn Đắc Tuấn ở bản Nông Xôm, xã Hát Lót. Ông Tuấn chia sẻ: Cả bản Nông Xôm hối hả thu hoạch nhãn để các thương lái đến chở đi tiêu thụ. Năm nay nhãn được mùa nên sẽ mang lại thu nhập cho người dân. “Gia đình tôi cũng trồng hơn 300 gốc nhãn, vài hôm nữa sẽ thu hoạch”, ông Tuấn phẩn khởi.
Ngoài trồng nhãn, gia đình ông Tuấn còn trồng thêm 500 gốc xoài Đài Loan, gần 100 gốc bưởi và nuôi thêm 16 con bò. Mỗi năm trừ các chi phí, thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ước khoảng 150 triệu đồng. Để có được nguồn thu nhập này, gia đình ông Tuấn luôn nhận được sự tiếp sức kịp thời từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Sau khi vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo và thoát nghèo vào năm 2013, ông Tuấn tiếp tục được NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm để mở rộng trồng cây ăn trái và chăn nuôi.
Cách nhà ông Tuấn không xa là gia đình ông Nguyễn Đắc Thắng đang thu hoạch nhãn. Ông Thắng nhẩm tính vụ năm nay với hơn 100 gốc nhãn, cho khoảng 7 tấn quả, thu về khoảng 90 triệu đồng. Trước đây gia đình ông Thắng trồng chanh leo nhưng cho năng suất thấp, cuộc sống gia đình khó khăn. Sau đó, gia đình ông được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH để trồng nhãn. Nhờ tạo được uy tín và sử dụng vốn vay hiệu quả ông Thắng đã được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nông Xôm với 15 tổ viên, dư nợ của tổ là 900 triệu đồng. “Hầu hết các gia đình trong tổ sử dụng vốn vay để trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả mang lại thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Thắng chia sẻ.
Cán bộ NHCSXH huyện Mai Sơn phổ biến quy trình thủ tục vay vốn ưu đãi tại bản Nông Xôm, xã Hát Lót |
Điểm đặc biệt là nguồn vốn NHCSXH giúp cho nhiều gia đình trẻ ở xã Hát Lót thay vì phải bỏ quê hương, bản quán đi làm ăn xa đã xây dựng sự nghiệp thành công ngay tại quê nhà. Anh Đào Trung Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hát Lót cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ngày càng có nhiều hộ gia đình trẻ vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh lập nghiệp ngay tại quê nhà. Đến nay, toàn xã có dư nợ hơn 21 tỷ đồng thì riêng vốn ủy thác qua Đoàn thanh niên đạt 6 tỷ đồng với 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn của NHCSXH đã tạo động lực cho thanh niên phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh trong đoàn viên, thanh niên trong xã.
Khẳng định vai trò của tín dụng ưu đãi, ông Cầm Văn Sơn, Giám đốc NHCSXH huyện Mai Sơn cho biết, hoạt động của NHCSXH luôn nhận được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Hàng năm cùng với nguồn vốn được NHCSXH tỉnh Sơn La cân đối, huyện đã bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đến nay nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH cho vay là hơn 6 tỷ đồng. Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt bình quân 21,55%/năm, tăng gấp 39,9 lần, từ 16 tỷ đồng năm 2003 lên hơn 656 tỷ đồng thời điểm 30/6/2022 với 19.557 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,01% tổng dư nợ.
Ông Sơn cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, NHCSXH huyện Mai Sơn sẽ tăng cường phối hợp các chương trình tín dụng chính sách với các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất đồng bộ theo chuỗi từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân mạnh dạn đầu tư, yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.