Thời báo Ngân hàng Kỷ niệm 33 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên: Chuyện tác nghiệp ở… “trời tây”
Sau một đêm vật vạ trên xe khách, mọi người đến trụ sở tạm thời của chi nhánh NHNN Đắk Nông, là một ngôi nhà thuê hai tầng, chật chội ngay trung tâm thị xã Gia Nghĩa. Anh em các phòng ban của chi nhánh phải làm việc trong các căn phòng nhỏ hẹp, giữa những đống hồ sơ, giấy tờ cao ngút…
Tác giả (thứ 2 từ phải sang) trong một lần tác nghiệp ở Tây Nguyên |
Gia Nghĩa lúc đó hoang vắng lắm, cả thị xã loanh quanh chỉ có mấy con đường. Lúc mới chia tách, cán bộ của Đắk Nông chủ yếu có nhà ở bên Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), hầu hết anh em đều chịu cảnh “nhà thuê, cơm bụi”. Mà quán xá khi đó cũng rất ít, thưa thớt… Cả ngày xuống cơ sở, tối về đi ăn cơm loay quanh chỉ có mấy quán quen. Tại đây, gần như hôm nào cũng “chạm mặt” cán bộ các sở, ban ngành của tỉnh. Bởi vậy, đôi lúc anh em phóng viên dưới xuôi lên, lại tranh thủ khai thác thông tin ngay trong bữa ăn… Sau này, trụ sở NHNN Đắk Nông được xây dựng rất khang trang, nằm trên đường Lê Duẩn, nhà công vụ cũng được đầu tư bài bản… Gia Nghĩa cũng đã nâng cấp lên thành phố. Song, giờ nghĩ lại vẫn còn thương cho anh em NHNN Đắk Nông ở cái thuở ban đầu, với bao vất vả gian nan để đặt nền móng cho hoạt động ngân hàng ở nơi khó khăn nhất nhì của Tây Nguyên.
Tôi nhớ mãi chuyến công tác của bản thân ở huyện Đắk Glong, đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của Đắk Nông. Theo chân cán bộ tín dụng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, tôi về xã Đắk Som để tìm hiểu hiệu quả nguồn vốn chính sách. Đây là xã có điều kiện kinh tế khá khó khăn, nằm tiếp giáp với Lâm Đồng. Toàn xã có hơn 2.000 hộ, với 10.600 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%...
Để đến được nhà hộ vay vốn, anh em chúng tôi phải đi ô tô từ trung tâm huyện, đến trụ sở UBND xã. Từ UBND xã Đắk Som lại thay đổi phương tiện, chuyển sang xe máy để đến với bà con. Loay quanh đến gần 13h, chúng tôi cũng chỉ đi được hai gia đình vay vốn. Anh K’ Ngai, Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Glong nói vui, đơn vị không dám tuyển cán bộ tín dụng là nữ. Bởi, sợ chị em không đủ sức để đi địa bàn… Quả thật, hiện cả NHCSXH huyện cũng chỉ có hai “bóng hồng” chủ yếu ở nhà “gác gôn” làm giao dịch viên.
… Nhiều lắm những kỷ niệm tác nghiệp báo chí ở Tây Nguyên mà anh em vẫn gọi vui là “trời tây”. Với bản thân tôi, được rong ruổi khắp các thôn, buôn đã giúp tôi trưởng thành hơn về mọi mặt, từ kinh nghiệm thực tế đến sự hiểu biết về bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc bản địa. Và mỗi lần chia tay với Tây Nguyên, tôi lại nhớ những vùng đất đỏ bazan, từng cánh rừng, con suối, những con đường tít tắp bụi đỏ và hơn cả là con người Tây Nguyên hồn nhiên mà mến khách.