Thời cơ cho công nghiệp hỗ trợ
7 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ | |
Tăng năng lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ | |
Công nghiệp hỗ trợ cần những đột phá |
IHS Markit vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 7 chỉ đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với tháng trước. Nguyên nhân là bởi số lượng đơn đặt hàng và sản lượng đơn hàng mới đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, báo hiệu tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thêm, sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước chỉ đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Đáng chú ý, 7 tháng, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 130,25 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Công nghiệp hỗ trợ - mắt xích quan trọng phát triển ngành chế biến, chế tạo |
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành chế biến, chế tạo phải cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ không lương, giảm lương công nhân do sản xuất đình trệ. Quan ngại hơn, có tới 20/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sâu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận định, xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày chưa ký tiếp được đơn hàng. Bởi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, tập trung vào vải các loại, thép, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Nên khi nguồn cung bất ngờ bị đứt gãy như trong giai đoạn dịch Covid-19 này, khiến nhiều doanh nghiệp ở vào thế bị động, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất.
Thực trạng trên đặt ra vấn đề cấp thiết lúc này là hoàn thiện chuỗi cung ứng và đáp ứng được yêu cầu nguồn gốc nguyên liệu, mới tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Hiện tại, số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mới chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt ở những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn... song lại chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong toàn ngành công nghiệp.
Đồng thời, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này cũng còn rất thấp; thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là các doanh nghiệp tư nhân nên khả năng tài chính hạn chế, vốn tự có hạn hẹp… Tất cả những điều này đã khiến nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích về kỹ thuật, cũng như khả năng cung cấp được đơn hàng với số lượng lớn, vượt qua đối thủ để có được đơn hàng.
Mặc dù hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ là khá đầy đủ, tuy nhiên lại chồng chéo, dẫn đến triển khai rất khó, vì vậy, nhiều doanh nghiệp không mặn mà, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) chia sẻ.
Trước thực tế đó, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giảm áp lực tồn kho của các ngành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm được Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Nhằm khắc phục những thực trạng trên, mới đây Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa. Đến năm 2030, sẽ tăng lên 70%, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Nghị quyết 115, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sẽ được vay vốn ưu đãi ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng. Với các khoản vay trung, dài hạn, Nhà nước sẽ thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất (tối đa 5%/năm). Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, theo hướng điều chỉnh cơ chế và thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, tạo thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đưa ra yêu cầu thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Việt Nam sẽ xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.