Tăng năng lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ cần những đột phá | |
Công nghiệp hỗ trợ khó tận dụng cơ hội dịch chuyển đầu tư | |
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần sự vào cuộc của các tập đoàn đa quốc gia |
Việt Nam luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Và thiện chí lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản được đánh giá là điểm mấu chốt. Trong dài hạn, 10 - 15 năm tới, với việc mở rộng cơ sở sản xuất tại đây, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Việt Nam còn có một lợi thế khác mà không quốc gia nào trong khu vực có được, đó là đội ngũ đông đảo người lao động biết tiếng Nhật. Chi phí nhân công và thuê mặt bằng tại Việt Nam khá rẻ, cùng nhiều FTA đã ký với các quốc gia cũng là những điều hấp dẫn doanh nghiệp quốc tế, theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội.
Nếu được đầu tư tốt, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển |
Tuy nhiên, ông Takeo Nakajima cũng nêu những bất lợi khi mở rộng chuỗi cung ứng. Ví dụ như hiện tại việc đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang bị hạn chế, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 30 - 40% tùy theo sản phẩm…
Và để rộng đường đón các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng, một hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản lớn nhất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức từ trước đến nay đã được tổ chức để giới thiệu tới hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản về tình hình và định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cập nhật các chính sách pháp luật mới vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam.
Trước đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản nhằm tạo ra những kết nối và hợp tác kinh doanh hiệu quả nhất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chuyên ngành được Chính phủ Việt Nam dành sự ưu tiên phát triển đặc biệt.
Trong xu hướng chuyển đổi nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, không chỉ có Nhật Bản, mà nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng chọn Việt Nam là một trong những điểm đến nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
Nhiều năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo đã là điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Riêng năm 2019, trong tổng số 32 tỷ USD thu hút vốn đầu tư vào các ngành kinh tế của Việt Nam, đã có gần 22 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều đó cho thấy, đây cũng là chiến lược hội nhập và xuất nhập khẩu bền vững. Quan trọng hơn, đó chính là động lực dẫn dắt toàn ngành công nghiệp đi lên. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành chế biến chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 4,96%, con số này cao gấp đôi mức tăng của toàn ngành công nghiệp. Và nếu xem công nghiệp chế biến chế tạo là một ngôi nhà, thì móng nhà, chính là công nghiệp hỗ trợ được kết lại từ nhiều mảnh ghép khác nhau (như là cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may…).
Hiện nay, trong bối cảnh liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ, doanh nghiệp Việt còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung - cầu, thì nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia. Cùng với đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ; Nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác.
Để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo tham gia sản xuất chuỗi, Bộ Công thương đã đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Bước đầu hệ thống cơ sở dữ liệu này mới hạn chế trong một số lĩnh vực như công nghiệp ôtô, chế biến thức ăn, điện tử, công nghiệp da giày, dệt may... của hơn 3.500 doanh nghiệp, góp phần hình thành mạng lưới liên kết giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ, kịp thời chính sách cũng như những yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất và hệ thống các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối trong nước với nước ngoài, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Đây còn là cơ sở dữ liệu vô cùng quan trọng cho Chính phủ, Bộ Công thương trong việc tiếp tục nắm bắt thực trạng phát triển ngành công nghiệp nước nhà, từ đó, hoạch định chính sách phát triển kịp thời, phù hợp, chính xác; đảm bảo xây dựng chiến lược, triển khai các hoạt động hỗ trợ đúng lúc - đúng chỗ. Liên tục hoàn thiện môi trường trên cơ sở minh bạch, công khai, có sự nhất quán, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.