Công nghiệp hỗ trợ cần những đột phá
Công nghiệp hỗ trợ khó tận dụng cơ hội dịch chuyển đầu tư | |
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần sự vào cuộc của các tập đoàn đa quốc gia | |
Tạo cơ hội hợp tác cho công nghiệp hỗ trợ |
Ưu tiên công nghiệp hỗ trợ
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung, Quảng Nam là một trong những địa phương có ngành công nghiệp khá phát triển. Để tiếp sức, tạo đà cho các ngành công nghiệp, địa phương đã và đang ưu tiên thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để đi đến thành công, Quảng Nam đang còn nhiều việc phải làm, cần những “cú hích” để công nghiệp hỗ trợ có bước đột phá.
Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, từ năm 2014 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo, phục vụ sản xuất ô tô và ngành dệt may. Trên thực tế, ngành công nghiệp ô tô và dệt may đang là những mũi nhọn chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương trong những năm gần đây.
Đến nay, trên địa bàn Quảng Nam có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, kéo theo những cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển. Cụ thể, tỉnh đã thu hút được một số dự án FDI chuyên sản xuất các nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may. Trong đó, phải kể đến dự án tổ hợp dệt may Panko Tam Thăng, nằm trên địa bàn huyện Thăng Bình, có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD chuyên sản xuất sản phẩm dệt may, nhuộm và các phụ liệu dệt may, giải quyết việc làm cho gần 15 nghìn lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, còn có dự án nhà máy Groz - Beckert Việt Nam, nằm trên địa bàn huyện Đại Lộc chuyên sản xuất thiết bị và công cụ ngành dệt. Tương tự dự án nhà máy sản xuất chỉ may Amann Việt Nam chuyên sản xuất chỉ may thêu xuất khẩu, các phụ kiện...
Sản xuất, lắp ráp ô tô tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải |
Đặc biệt, nhắc tới Quảng Nam nhiều người sẽ nghĩ tới ngay ngành công nghiệp cơ khí ô tô với “cứ điểm” mang tầm khu vực là Chu Lai - Trường Hải. Theo đó, từ gần 20 năm trước Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã tập trung đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Đến nay, khu kinh tế mở này đã được định hướng phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp linh kiện, phục vụ sản xuất ô tô và phụ trợ dệt may. Trong đó, chỉ tính riêng tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải của Thaco đã có 12 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng và tổ hợp cơ khí, không chỉ cung cấp cho hoạt động của Thaco mà còn cho DN trong nước, xuất khẩu ra các thị trường thế giới. Việc đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, góp phần quan trọng để Thaco gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Theo đại diện Thaco, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng cơ khí chế tạo là mục tiêu quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Hiện, DN đang đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như, cơ khí ô tô, nông - lâm nghiệp; logistics; thương mại - dịch vụ...
Cần những đột phá
Tuy đã xác định được những mũi nhọn để phát triển, với những nhà đầu tư có tiềm năng, dự án lớn... song nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ ở Quảng Nam cũng như tại nhiều địa phương khác trong cả nước, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, nổi lên là việc ngành công nghiệp hỗ trợ ở địa phương có giá trị thấp, năng lực, công nghệ hạn chế, đơn điệu trong sản phẩm. Đơn cử, như trong ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa của các dự án còn thấp, do phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Những nguyên phụ liệu đơn giản như, kim chỉ, móc áo, bao bì, nhãn mác... đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Phần lớn các DN chỉ làm gia công cho đối tác nước ngoài, giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, ngành sản xuất cơ khí cũng đang gặp nhiều khó khăn, khi đã đi qua thời hoàng kim...
Trên thực tế, dù có nhiều tiềm năng song đến nay vẫn có rất ít DN, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bởi vậy, số lượng DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ rất ít, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, lâu nay sợi dây liên kết giữa các DN trong nước, nhà đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn rời rạc, lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm thiếu sự tương hỗ lẫn nhau... Bởi vậy, không chỉ riêng tại Quảng Nam mà tính chung cả nước, ngành công nghiệp hỗ trợ đã và đang nhận được nhiều sự khích lệ để phát triển, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, Quảng Nam phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Nổi lên trong đó, địa phương cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách sát với thực tế để công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trước mắt, tập trung điều tra, nghiên cứu nhu cầu, nhu cầu thực tế của DN về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, có cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chương trình phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở địa phương. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ; hình thành hệ thống DN địa phương có khả năng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Có những chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất; sử dụng kết cấu hạ tầng và các chính sách hỗ trợ về phát triển kết nối thị trường, ứng dụng khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề, phục vụ công nghiệp hỗ trợ...
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương sẽ lắng nghe và ghi nhận ý kiến của các chuyên gia để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Quảng Nam luôn chào đón các nhà đầu tư cũng như tích cực hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ sau đầu tư, dịch vụ xã hội kèm theo đối với DN công nghiệp hỗ trợ. Với hy vọng, giúp Quảng Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, góp phần đưa xứ Quảng trở thành động lực phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung cũng như cả nước.