Thu hút FDI: Cuộc đua xuống đáy hay lên đỉnh
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia và cũng là thông điệp của Báo cáo Hướng tới sự phát triển ASEAN bền vững với chủ đề “Cải thiện môi trường kinh doanh là chìa khóa để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), không phải cạnh tranh ưu đãi thuế” mà Oxfam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và PRAKARSA vừa công bố tại hội thảo về vấn đề này.
Ảnh minh họa |
Yêu cầu từ nội tại và xu hướng
Phát biểu tại hội thảo, ThS. Phạm Văn Long - Nghiên cứu viên của VEPR thay mặt nhóm nghiên cứu chỉ ra: “Không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế và phi thuế được các nhà đầu tư nước ngoài coi là yếu tố then chốt trong quá trình đưa ra quyết định”. Thế nhưng các nước thành viên ASEAN lại đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp thuế thu nhập DN và liên tục đưa ra các ưu đãi rất lớn đối với các nhà đầu tư, xem đây như ưu đãi chính thu hút FDI để bù đắp cho yếu kém cơ sở hạ tầng. Theo đó thuế suất thuế thu nhập DN trung bình của ASEAN đã giảm từ mức 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Thuế thu nhập DN thực nộp trung bình ở ASEAN còn giảm mạnh hơn tới 9,4 điểm phần trăm nếu tính đến chính sách ân hạn thuế lên tới 20 năm và những ưu đãi dựa trên lợi nhuận khác.
Báo cáo chỉ ra thất thu ngân sách do ưu đãi thuế DN ước tính bằng 6% GDP ở Campuchia; 1% GDP ở Việt Nam và Philippines. Điều này làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách trung bình của toàn khu vực ASEAN, với mức 1,5% GDP năm 2018 và có thể lên đến 4,2% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 tại 9 nước ASEAN (không xét tới Brunei và Singapore). Thâm hụt ngân sách lại dẫn tới thiếu nguồn lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế chưa từng có trong khu vực cũng như chống lại nghèo đói.
Đặc biệt đại dịch Covid được dự báo sẽ khiến dòng vốn FDI vào các nước châu Á đang phát triển sẽ giảm khoảng 30-40%, dẫn đến giảm nguồn thu từ thuế thu nhập DN, trong khi nhu cầu chi tiêu ngân sách tăng cao đặt ra thách thức lớn đối với ngân sách các quốc gia. “Bối cảnh này càng thúc giục khu vực ASEAN phải cùng nhau nhất trí về việc ngăn chặn cuộc đua xuống đáy và cải thiện môi trường kinh doanh của các nước thành viên để thu hút dòng vốn FDI có tính dài hạn và bền vững, đồng thời đủ nguồn lực tài chính để đối phó với đại dịch”, ông Long phân tích.
Theo đó Báo cáo đề xuất các nước trong khối ASEAN cần lập danh sách trắng và đen về ưu đãi thuế trong khối ASEAN, trong đó đưa ra lộ trình loại bỏ những ưu đãi này trong khu vực với thời hạn nhất định và quy định những ưu đãi thuế có thể được cho phép và chấp nhận áp dụng; đồng thời ngăn chặn cuộc cạnh tranh trong việc cung cấp các ưu đãi về đất đai để thu hút FDI…
Chấm dứt cuộc đua về đáy
Các chuyên gia đến từ EU, Oxfam cũng chỉ ra câu chuyện tránh cuộc chạy đua xuống đáy, xây dựng sàn thuế tối thiểu là xu hướng đang được nhiều khu vực quan tâm và từng bước triển khai như EU, Đông Phi, Tây Phi và Trung Mỹ. Thông tin mà ông Henrique Alencar - Tư vấn chính sách về Thuế và Bất bình đẳng của Oxfam Novib đưa ra càng cho thấy ASEAN, đặc biệt là các nước đã và sẽ tham gia OECD cần chấm dứt cuộc chạy đua này. Bởi để tránh tiêu cực khi Chính phủ các nước áp dụng ưu đãi về thuế cho DN, OECD sẽ đưa ra mức thuế tối thiểu, đây là mức thuế sau khi trừ tất cả các loại ưu đãi. Nếu tổng thuế DN phải trả tại các nước trong khối thấp hơn nước tối thiểu thì nước mẹ được đánh thuế phần còn lại.
Cho rằng nếu cứ tham gia cuộc đua xuống đáy thì có thể dẫn đến tất cả đều thua, tuy nhiên theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, việc giải quyết bài toán này không dễ và cần có quyết tâm từ lãnh đạo chính trị của quốc gia đến sức ép từ phía người dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng và áp dụng sàn thuế tối thiểu trong khối ASEAN cần có lộ trình và trong ngắn hạn cần xây dựng các tiêu chuẩn thuế theo từng nhóm các nước có đặc thù và lợi ích riêng.
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cũng cho rằng, các DN trong khối không cần cạnh tranh về thuế. Bởi cạnh tranh thuế dựa trên cơ sở vốn khan hiếm nhưng hiện ASEAN thu hút đầu tư tốt nhất, chiếm 12% tổng đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ với 129 tỷ USD cao hơn cả đầu tư của Mỹ cộng lại ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông cũng chỉ ra sự hấp dẫn này không phải vì nền kinh tế hay quốc gia cụ thể mà các nhà đầu tư xem ASEAN là một thị trường chung với khoảng 600 triệu dân và đang hội nhập càng ngày càng lớn hơn giữa các quốc gia nội khối. “Đặc biệt với ngành sản xuất và chế tạo truyền thống, ưu đãi về thuế và phi thuế không phải là động cơ hàng đầu hay ưu tiên số 1 khi quyết định đầu tư mà chúng tôi cân nhắc đến quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng của thu nhập và sức mua cùng nguồn lực khác như lao động, chi phí nhân công, điện năng lượng, tài nguyên...”, ông nói. Còn với các ngành mới gắn với kinh tế số, ASEAN cũng là một thị trường hấp dẫn với khoảng 400 triệu người đang dùng internet. “Tuy nhiên, việc các nước ASEAN khan hiếm nguồn nhân lực thông minh đã ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư của họ”, ông chỉ ra.
Ông Thành khuyến nghị Chính phủ nên tập trung phát triển DN trong nước, bởi FDI không chỉ nhìn vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường mà chính sách kích thích cả các DN nội địa có thể là một yếu tố hỗ trợ quyết định đầu tư của họ.
Khuyến cáo các nước ASEAN hướng tới cuộc chạy đua lên đỉnh, Báo cáo khuyến nghị các quốc gia thành viên ASEAN cần thống nhất danh sách các yếu tố môi trường kinh doanh quyết định trong việc thu hút FDI. Các quốc gia cũng nên xếp hạng hoặc phân loại các yếu tố theo mức độ quan trọng của chúng. Những ưu tiên hàng đầu là độ mở của nền kinh tế, giảm gánh nặng hành chính trong kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực. Song song với đó, các quốc gia cần có những hành động thiết thực để cải thiện các chỉ số khác về môi trường kinh tế vĩ mô và chất lượng thể chế như tự do kinh tế, hiệu quả Chính phủ, chất lượng pháp lý, chất lượng cơ sở hạ tầng và khả năng hấp thụ công nghệ.