Thử nghiệm vaccine với biến thể mới của SARS-CoV-2
Ảnh minh họa |
Giám đốc điều hành BioNTech, ông Ugur Sahin, ngày 22/12 cho biết có 9 biến thể của SARS-CoV-2. Ông cho rằng thật khó có bất kỳ biến thể nào đủ mạnh để vô hiệu vaccine mà BioNTech hợp tác với hãng dược Prizer của Mỹ chế tạo nhưng cần thêm 2 tuần hoặc hơn để nghiên cứu và thu thập dữ liệu cần thiết trước khi có câu trả lời rõ ràng.
Theo ông Sahin, về mặt khoa học, phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine rất có thể cũng ngăn chặn được biến thể mới và trong trường hợp cần thiết, hãng có thể phát triển vaccine chống lại biến thế này trong vòng 6 tuần.
Trong khi đó, hãng dược Moderna nhận định khả năng miễn dịch sau khi tiêm vaccine có thể ngăn ngừa được biến thể mới của virus và họ đang thực hiện thêm các thử nghiệm trong những tuần tới để có thể khẳng định điều này.
Ngoài ra, hãng dược CureVac của Đức cũng đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vào tuần trước và đang liên tục xem xét các biến thể.
Cũng trong thông báo ngày 22/12, Giám đốc kinh doanh cua BioNTech, ông Sean Marett cho biết đến cuối năm 2020, Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp 12,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Liên minh châu Âu, trong khi Mỹ dự kiến sẽ tiếp nhận 20 triệu liều vaccine của liên doanh này cũng trong thời gian này.
WHO: Biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Anh là điều bình thường
Ngày 21/12, trước những cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Anh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đây là một phần trong những diễn biến thông thường của đại dịch.
Các quan chức WHO thậm chí còn tỏ ra lạc quan trước việc phát hiện những biến thể mới bởi điều này đồng nghĩa rằng các công cụ theo dõi virus đang hoạt động hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh: “Chúng ta phải có một sự cân bằng. Minh bạch thông tin là quan trọng, chúng ta cần phải thông báo với người dân về những gì đang xảy ra. Nhưng thế giới cũng biết rằng đây là sự phát triển bình thường của virus”.
Theo ông Ryan, việc theo dõi virus một cách sát sao, khoa học và kịp thời thực sự là một bước tiến tích cực và các nước đang thực hiện đúng quy trình giám sát này nên được hoan nghênh. Với dữ liệu tại Anh, các quan chức WHO cho biết không có bằng chứng nào cho thấy biến thể mới khiến người bệnh nặng hơn hoặc làm tăng nguy cơ tử vong so với các chủng hiện nay, song dường như có khả năng lây lan nhanh hơn.
WHO cho rằng biến thể mới phát hiện tại Anh còn lây lan chậm hơn so với các căn bệnh khác như quai bị. Các quan chức WHO đều tin rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể ứng phó tốt với biến thể mới, dù điều này vẫn đang được kiểm chứng.
Trong khi đó, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan khẳng định cho đến thời điểm này, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số sự đột biến nhưng những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khả năng kháng thuốc, các liệu pháp điều trị hay vaccine.
Dự kiến trong vài ngày hoặc vài tuần tới, WHO sẽ nhận được thông tin chi tiết về tác động tiềm tàng của biến thể mới. Theo bà Soumya Swaminathan, SARS-CoV-2 còn biến thể chậm hơn so với virus cúm. Mỗi năm, các loại vaccine ngừa virus cúm đều cần được đánh giá và xem xét lại dựa trên mức độ lây lan của chủng cúm vào năm đó.
Chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng là cần phải tiếp tục theo dõi sự phát triển của virus, trong đó tập trung vào nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm. Theo chuyên gia WHO, virus càng lây lan thì nguy cơ biến đổi và tạo ra biến thể càng tăng. Do đó, điều quan trọng là phải giảm thiểu mức độ lây lan trong cộng đồng, từ đó giảm tỷ lệ đột biến của virus.