Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa NHNN và GIZ
Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chúc mừng bà Michaela Baur được bổ nhiệm làm Tân Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam và sẽ có nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam. Phó Thống đốc đánh giá, NHNN và GIZ đã xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thành công và tin cậy trong suốt 31 năm qua. Sự hỗ trợ của Chính phủ Đức nói chung, của GIZ nói riêng luôn thiết thực và bám sát các nhiệm vụ chính trị của NHNN qua các thời kỳ đổi mới. “Trong suốt 31 năm qua, NHNN có mối quan hệ đặc biệt với GIZ, hàng năm có những nội dung, hoạt động cụ thể. Chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác, phối hợp thông qua các chương trình, dự án rất hiệu quả, thiết thực của GIZ dành cho NHNN nói riêng, Việt Nam nói chung”, Phó Thống đốc khẳng định.
Quang cảnh buổi tiếp |
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của GIZ, NHNN đã xây dựng các đề án về ngân hàng xanh, các kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh qua từng thời kỳ. Phó Thống đốc mong muốn, Chính phủ Đức và GIZ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác phát triển về cải cách kinh tế, tài chính ngân hàng nhằm giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế trung hòa các bon, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số, đạt được mục tiêu cam kết Net zero vào năm 2050; làm nền tảng để Việt Nam đóng góp có ý nghĩa cho quá trình chuyển đổi trong khu vực và trên toàn cầu để đạt được cam kết Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ NHNN nghiên cứu hướng dẫn đánh giá tác động của quản lý rủi ro khí hậu trong hoạt động ngân hàng; Đánh giá tác động và các rủi ro thách thức của các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn trên thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam và hệ thống tài chính Việt Nam.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú mong muốn GIZ hỗ trợ đối với lĩnh vực kinh tế xanh, tín dụng xanh, kinh tế tuần hoàn, quản trị rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng |
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thời gian qua, NHNN đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả vai trò của nguồn vốn tín dụng thực hiện quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ về phát triển bền vững, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép các mục tiêu về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh trong việc định hướng phát triển ngành ngân hàng và trong quá trình điều hành, ban hành các chính sách tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và bền vững. NHNN đã chỉ đạo TCTD quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có danh mục phân loại xanh, ngành ngân hàng đã phân loại, thống kê danh mục cấp tín dụng cho 12 ngành/lĩnh vực xanh để xác định vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh; được coi là kim chỉ nam cho các TCTD thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của TCTD trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành môi trường xã hội và quản trị doanh nghiệp, tài chính bền vững, đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng. Theo đó, NHNN mong muốn GIZ hỗ trợ đối với lĩnh vực kinh tế xanh, tín dụng xanh, kinh tế tuần hoàn, quản trị rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, cụ thể hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực này.
Bà Michaela Baur - Giám đốc quốc gia GIZ khẳng định NHNN là một trong những đối tác quan trọng và lâu dài của GIZ |
Trong bối cảnh gia tăng các rủi ro an ninh an toàn, gian lận, giả mạo trong hoạt động thanh toán cũng như sự phát triển mạnh của công nghệ số, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc mong muốn, GIZ tiếp tục hỗ trợ trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Kinh nghiệm trong việc phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ số an toàn, tiện ích, tăng cường trải nghiệm khách hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Liên quan đến hoạt động tăng cường năng lực cho cán bộ ngành Ngân hàng để thúc đẩy phát triển bền vững, Phó Thống đốc NHNN mong muốn, GIZ tiếp tục hỗ trợ triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về tín dụng – ngân hàng xanh, chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Các hoạt động chủ yếu gồm tổ chức các Hội nghị/Hội thảo/khóa bồi dưỡng; cử đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, mô hình thử nghiệm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, triển khai chính sách; hỗ trợ nghiên cứu một số sản phẩm và dịch vụ có ứng dụng công nghệ tài chính trong hệ thống ngân hàng nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ của NHNN.
Cảm ơn Phó Thống đốc đã dành thời gian tiếp đoàn, bà Michaela Baur bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đã trải qua trong thời gian qua để khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 gây ra. Bà Michaela Baur cho biết, mặc dù mới nhận nhiệm vụ được khoảng 5 tháng ở Việt Nam, cũng có thời gian trao đổi với các đối tác quan trọng ở Việt Nam, trong đó NHNN là một trong những đối tác quan trọng và lâu dài của GIZ.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tặng bà Michaela Baur – Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam Cuốn sách “Lịch sử Đồng tiền Việt Nam” |
Theo bà Michaela Baur, những thách thức, khó khăn mà Phó Thống đốc vừa chia sẻ cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới, để hai bên thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng cần phải đảm bảo môi trường và nền kinh tế xanh hơn, bền vững hơn, giảm thiểu khí thải các bon. Đây là một trong những khó khăn, thách thức của các quốc gia mà chúng ta cần phải chung tay thực hiện của các nước trên thế giới. Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam đánh giá những thông tin mà Phó Thống đốc chia sẻ đều rất quan trọng và có sự kết nối, liên kết với nhau, đồng thời bày tỏ tin tưởng, hai bên sẽ tiếp tục sẽ thêm nhiều dư địa để tăng cường hợp tác trong thời gian tới.