Thúc đẩy tín dụng xanh là vấn đề cấp bách
Thiếu hành lang pháp lý cho tín dụng xanh phát triển Chuyên gia: Cần xem xét thành lập ngân hàng đầu tư xanh Ngành Ngân hàng nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh |
Những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh
Chia sẻ cụ thể hơn tại Hội thảo “Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero”, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỉ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN chia sẻ tóm tắt giải pháp chính sách ngành Ngân hàng thúc đẩy tín dụng xanh |
Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs – một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris.
Có được kết quả trên, trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường, nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong thời gian qua, NHNN đã kịp thời hoàn thiện hệ thống pháp lý, văn bản hướng dẫn triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Cụ thể, Hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh từ năm 2015, sau đó năm 2017 hoàn thiện văn bản hướng dẫn cấp tín dụng cụ thể đối với 12 ngành, lĩnh vực xanh; Ban hành Kế hoạch hành động của ngành hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững. Và gần đây nhất, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường sức chống chịu của hệ thống ngân hàng trước rủi ro về môi trường… NHNN thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng xanh, như tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho các TCTD và cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, chương trình, sản phẩm tín dụng xanh; Tích cực đàm phán nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương để các TCTD có nguồn lực tài trợ tín dụng cho khách hàng thực hiện các dự án xanh. “Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, thời gian qua, nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh” – ông Bắc nhận định.
Qua tổng hợp và từ khảo sát thực tế, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Phạm Minh Tú cũng nhận thấy tín dụng xanh cho ngân hàng xanh tăng trưởng qua các năm. Từ năm 2018 chỉ chiếm 3,33% trong tổng tín dụng của nền kinh tế, đến năm 2022 đã tăng lên 4,20%. Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng, TCTD đã ban hành quy định nội bộ về rủi ro môi trường và tác động xã hội. Theo thống kê, 80 - 90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Có tới gần 50% các ngân hàng và tổ chức tín dụng thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho bảo vệ môi trường. “Trong thời gian vừa qua ngành ngân hàng đã tích cực chuyển đổi số. Hoạt động giảm thiểu tối đa sử dụng giấy tờ. Có nhiều ngân hàng đã số hoá hoàn toàn, sử dụng robot tự động, qua đó xanh hoá chính bản thân mình, từ đó có sức lan toả ra cộng đồng” – ông Tú cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Ban định chế tài chính Agribank chia sẻ tại Hội thảo |
Là ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh cao trong hệ thống ngân hàng, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Ban định chế tài chính Agribank cho biết, thời gian qua Agribank rất quan tâm đến phát triển tín dụng xanh. Nhận thức được vai trò, Agribank tích hợp chiến lược phát triển xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng. Agribank có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên việc phát triển tín dụng xanh rất quan trọng. Giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100-350%/năm. Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch COVID-19, căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraina và các nước phương tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ của Agribank đã tăng trưởng bằng năm 2022. Đặc biệt, dư nợ lớn nhưng số lượng khách hàng đạt tiêu chuẩn tín dụng xanh của Agribank luôn chiếm cao nhất, khoảng 42.000 khách hàng. Đặc biệt, Agribank phát triển mạnh dư nợ tín dụng xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh.
Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong nông nghiệp nông thôn. Trong đó, Agribank luôn ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh. Phát triển các dự án xanh là một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải. “Để thực hiện quá trình phát triển xanh, Agribank luôn luôn cải tiến các cơ chế, quy trình và có những phương án để tiếp cận với hệ thống tài chính xanh như: cho vay qua tổ vay vốn, cho vay bằng hình thức xe lưu động. Điểm giao dịch lưu động là một trong các sáng kiến mới của Agribank đã được NHNN phê duyệt để mang nguồn vốn tới vùng sâu vùng xa. Trong quá trình đó, Agribank từng bước xây dựng tiêu chuẩn ESG – tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị ngân hàng. Đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để thực hiện báo cáo quá trình phát triển bền vững”, bà Hà chia sẻ thêm.
Tương tự như Agribank dư nợ tín dụng xanh trong giai đoạn 2019 – 2022 của BIDV tăng trưởng bình quân 45%/năm. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ban Tài trợ dự án BIDV cho biết, đến thời điểm 30/6/2023, BIDV đang cấp tín dụng lĩnh vực xanh cho hàng nghìn dự án với dư nợ trên 66 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng gần 2,8 tỷ USD), tăng gần 4% so với đầu năm và chiếm tỉ trọng khoảng 4% trên tổng dư nợ của BIDV. Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV. Về thẩm định các dự án xanh tại BIDV, ngân hàng đang chủ động triển khai công tác thẩm định các dự án xanh trên cơ sở tuân thủ các văn bản quy định pháp luật có liên quan, đồng thời tham khảo tư vấn của các tổ chức chuyên môn về tín dụng xanh trong và ngoài nước.
Do khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, cụ thể là bộ tiêu chí xanh để các ngân hàng phân loại, xác định các dự án đầu tư xanh chưa được hoàn thiện, nên BIDV triển khai việc phân loại, xác định dự án có tính xanh trên cơ sở lĩnh vực đầu tư của dự án và xem xét ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, BIDV chính thức ban hành Khung khoản vay bền vững vào tháng 2/2023 với sự tư vấn của tổ chức Carbon Trust và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố Khung khoản vay bền vững. “Việc xây dựng Khung Khoản vay bền vững là cơ sở để xác định các dự án có tác động tích cực tới môi trường và xã hội, từ đó đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm cho vay bền vững được thiết kế dành riêng cho các dự án xanh hoặc khuyến khích bên vay đạt được các chỉ tiêu hiệu quả bền vững” - ông Hưng khẳng định.
Đại diện BIDV cũng cho biết, ngân hàng đã ban hành các văn bản quy định nội bộ hướng dẫn việc đánh giá rủi ro môi trường - xã hội phù hợp với các quy định pháp luật, hướng dẫn của NHNN và tư vấn của các dự án sử dụng nguồn vốn quốc tế. Trong đó, triển khai Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, BIDV đã quy định điều kiện các khoản vay phải tuân thủ quy định của pháp luật (bao gồm Luật Bảo vệ môi trường). Luôn yêu cầu khách hàng đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, BIDV thực hiện Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã ban hành Quy định về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, trong hoạt động cấp tín dụng sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế khác như WB, EIB, ADB, AFD, BIDV đã có kinh nghiệm rà soát, đánh giá các dự án đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường xã hội, khung an toàn môi trường xã hội của các nhà tài trợ.
Toàn cảnh Hội thảo |
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực xanh
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Xuân Bắc việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn như chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu; khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.
Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định; Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD.
Ông Phạm Minh Tú cũng chỉ ra một số vướng mắc chính gây khó khăn trong thúc đẩy tín dụng xanh. Đó là các quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh về cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các TCTD thực hiện mà chưa mang tính bắt buộc; nhiều ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội… Ngoài ra, trong quá tình theo dõi và giám sát, ông Tú nhấn mạnh mức độ nhận thức của đội ngũ ngũ cán bộ trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong chuyển đổi xanh vẫn một số hạn chế. Trong khi đây lại là xu hướng không thể không triển khai. Có một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác lại chậm chân. Điều này sẽ là thiệt thòi và khiến chính những ngân hàng đó đánh mất đi cơ hội lớn. Do đó, ông Tú đề xuất các ngân hàng, tổ chức tín dụng nên thành lập những bộ phận đi trước đón đầu để thẩm định rủi ro ESG.
Qua quá trình tư vấn giúp các ngân hàng chuyển đổi xanh, Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) KPMG Việt Nam và Campuchia nhận thấy một trong những thách thức hiện nay là khung pháp lý về tín dụng xanh của Việt Nam chưa hoàn thiện, gây ra khó khăn trong việc phát triển hoạt động này trên thực tiễn. Hệ thống chính sách hiện cũng vẫn còn thiếu một số cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh; hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể còn chưa thực sự đầy đủ. Thực trạng này dẫn đến việc thiếu cơ sở để các ngân hàng xây dựng cơ chế thực hiện các hoạt động xanh và cấp tín dụng xanh.
Để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, NHNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý để. Từ đó, sớm ban hành Danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh. Sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường cacbon tại Việt Nam trong đó làm rõ vai trò tham gia của các định chế tài chính, các TCTD trong triển khai, thực hiện” - ông Bắc đề nghị.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận tại Hội thảo |
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, tín dụng xanh là vấn đề rất thời sự đặt trong xu thế của xã hội, những yêu cầu đặt ra trong vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường, đặc biệt Việt Nam thực hiện cam kết Hội nghị COP 26… Bản thân các doanh nghiệp và tất cả các lĩnh vực đều phải coi đây là một trong những cơ hội và yêu cầu bức thiết phải triển khai. Phía ngành Ngân hàng cũng nhận thức đây là lĩnh vực cấp bách cần phải triển khai.
Về phía chính phủ, các cơ quan Chính phủ cũng đã khẩn trương ban hành rất nhiều vấn đề để hoàn thiện môi trường mang tính chất pháp lý chung để bộ ngành, địa phương, ngành nghề triển khai nhằm tiến tới mục tiêu Net Zero năm 2050. Ví dụ Quốc hội ban hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ ban hành nhiều nghị định hướng dẫn chi tiết những điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng Ozon, đặc biệt nghị định về danh mục phân loại xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh,…
Từ những cơ sở trên, Chính phủ, Quốc hội, NHNN đã xây dựng nội dung kế hoạch hành động, ban hành một số các văn bản để tạo khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức tín dụng trong ngân hàng để hướng tới nền kinh tế xanh.
Theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú tín dụng xanh đạt được kết quả nhưng vẫn còn một số hạn chế: tổng dư nợ tín dụng xanh hiện nay mới đạt 528 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm gần 5% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tốc độ tăng dư nợ bình quân đạt tích cực khoảng 26%/năm với tín dụng xanh, nhưng đến năm 2050 đòi hỏi tiến tới Net Zero, vốn và nguồn đầu tư thông qua kênh tín dụng là nguồn lực chính, do đó tốc độ này chưa hẳn đáp ứng được yêu cầu chính đặt ra. Bên cạnh đó, hiện nay đã có 43 các TCTD, hàng trăm tín dụng lớn nhỏ, tư nhân, nước ngoài tham gia lĩnh vực. Nhìn chung, các NHTM đã ý thức được quyền lợi, trách nhiệm trong nâng cao chất lượng quản lý tín dụng, song hiện tại các ngân hàng gặp khó vì vốn huy động chủ yếu ngắn hạn nhưng cho vay đầu tư các dự án xanh, dự án về môi trường thường có thời gian dài. Do vậy, để có thể thúc đẩy tín dụng xanh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, cần thực hiện tốt những giải pháp đồng bộ với các mục tiêu dài hạn.
Về phía ngành Ngân hàng, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, trong đó có tín dụng xanh để tạo cơ chế thu hút nguôn lực tài chính, quốc tế cho mục tiêu xanh,
Ngoài những kế hoạch đã có, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, rộng, chi tiết hơn các danh mục xanh đã được công bố để NHTM triển khai mạnh mẽ tín dụng xanh. Vấn đề nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về tín dụng xanh tiếp tục đẩy mạnh không chỉ ở góc độ cơ quan lý điều hành mà các NHTM trong việc đánh giá các tiêu chuẩn quản lý rủi ro, môi trường xã hội.
Theo chia sẻ của Phó Thống đốc, vốn ngân hàng chủ yếu ngắn hạn, mà các dự án xanh cần đầu tư dài hạn, trong khi NHNN tiếp tục giảm bớt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình. Vì vậy, không chỉ NHNN mà Bộ Tài chính cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn thông qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu xanh… Đẩy mạnh công tác truyền thông, áp dụng công nghệ hiện đại đối với việc phát triển tín dụng xanh… là những giải pháp Phó Thống đốc lưu ý thêm trong giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh.
Theo thống kê hiện nay số lượng các TCTD tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh năm 2023 có 43 TCTD. Mục tiêu, năm 2025 có 100% TCTD tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh. Trong đó, các ngân hàng phải có hướng dẫn, quy định nội bộ thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội theo quy định. Theo đánh giá của Phó Thống đốc tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay chưa cao nên mục tiêu cuối năm 2025 tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt 25%; đạt 30-35% vào cuối năm 2023, tương ứng tỉ lệ trên là mục tiêu tỉ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế từ 4,6% tăng lên 10% vào cuối 2025 là những mục tiêu tương đối áp lực đối với ngành Ngân hàng. Song điều này thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của ngành Ngân hàng để đạt được mục tiêu phát triển xanh.