Thương ánh trăng quê
Ảnh minh họa |
Nhớ những buổi tối thanh trời ngày nhỏ, sau khi cả gia đình cơm nước xong xuôi, nội thường trải chiếc chiếu đơn ra ngồi trước sân, chỉ tay lên trời rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội trên cung trăng xa vời vợi những đêm khuya khoắt, yên bình. Đó là những năm tháng đói nghèo khi khắp nơi trong xóm làng chỉ có người già và trẻ con ở lại, người lớn rủ nhau đi khắp nơi tha phương cầu thực, độ đâu già nửa năm mới trở về thăm quê lấy đôi ba lần.
Cha mẹ tôi cũng bị những mưu sinh tiền tài cuốn phăng như cơn lũ ùa về bất chợt. Mà quê tôi thì năm nào mà không có lũ. Chẳng thế mà như người già trong làng vẫn thường thở dài, ngao ngán bảo nhau, quê mình đói hoài, nghèo hoài cũng là do lũ chứ đâu. Lũ như một điều hiển nhiên đến rồi đi hệt như một món quà của thiên nhiên ban tặng. Món quà bất đắc dĩ mà chẳng ai ở miền quê nghèo ấy mong muốn đón nhận.
Bởi vậy mà người trẻ cứ lớn lên là lạc chân đi mãi không muốn quay về, chỉ có người già đành bám trụ lại nơi ấy, chống trọi cùng những được mất của dòng đời xô đẩy, của nghiệt ngã thời gian vùi dập lên tấm thân gầy gò mà bằng lòng chấp nhận.
Nhớ những đêm khó ngủ, tôi thường nằm vắt tay lên trán trằn trọc, mắt thao láo nhìn ra khoảng sân be bé mà thao thức đợi trăng. Đợi trong những vốc sáng bàng bạc ngoài hiên một hình bóng thân quen trở về dù xiêu vẹo như gió, xao xác trên những khóm tre già.
Nhưng rồi càng hy vọng bao nhiêu tôi lại càng đâm ra thất vọng bấy nhiêu, bởi người đã đi mấy khi chịu tìm đường mà quay trở lại. Cũng giống như những cơn mưa lộp độp trên những mái ngói, cứ vội vàng trút từng cơn xối xả, rồi lại vội vàng lặng thinh. Chỉ có lòng người thì cứ buồn mãi không thôi, khi thấy ánh trăng lấp ló bên thềm.
Trăng quê coi vậy chứ cũng tựa như lòng người, lúc nào cũng mang trong mình những tâm sự đau buồn mà chẳng biết thổ lộ cùng ai.
Mãi sau này tôi mới hay, ông nội tôi nhập ngũ cũng vào một đêm trăng như thế, tiếc rằng đó cũng là lần cuối cùng ông bà nội gặp nhau, cũng bởi chiến tranh đạn bom khiến ông phải ra đi mãi mãi. Thế nhưng cũng may có ánh trăng quê làm chứng cho sự thủy chung của nội tôi gần như suốt cả đời mình.
Tôi đi phố để hoàn thành ước nguyện của mẹ cha cả đời làm lụng nuôi con vất vả. Hành trang tôi mang trên vai chẳng có gì ngoài những lời vỗ về, an ủi và quyết tâm học hành tấn tới, nên người.
Để rồi chiều nay khi đã trầm mình ướt đẫm sau những cơn mưa, tôi vội vàng trở về khu nhà trọ nằm ở rìa ngoại ô của thành phố. Mây tan, những ánh sao đêm ngoi mình nhún nhảy trên bầu trời cao tít, kéo theo ánh trăng đêm tròn vành vạnh nhô lên sáng trong cả một khoảng trời rộng lớn.
Bất chợt tôi nghĩ về nội nơi miền quê ấy, đang rưng rức bởi những vết thương đau nhức của tuổi già. Nhưng dẫu cho nỗi đau ấy có hoành hành thế nào cũng không ngăn cản nội nhấc từng bước chân khó nhọc ra hiên, ngồi thẫn thờ ngắm ánh trăng đêm đang bao phủ cả miền quê nghèo, để nỗi nhớ về ông vẹn nguyên như thuở ban đầu ngày hai người hẹn thề dưới ánh trăng khuya...