Thương mại điện tử: Cần hành lang pháp lý phù hợp để phát triển bền vững
Tăng trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử | |
Thời cơ vàng cho kinh doanh trực tuyến |
Trên cơ sở triển khai các nền tảng hỗ trợ phát triển thị trường TMĐT và KTS, đồng thời thực hiện các giải pháp đảm bảo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Theo đó, các DN TMĐT đã nhất trí phối hợp cùng Cục TMĐT và KTS triển khai kết nối nền tảng "TrustON" - Hệ thống quản lý, giải quyết khiếu nại bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT, phối hợp triển khai nền tảng GoOnline - Phát triển TMĐT ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các tình huống khẩn cấp, cũng như triển khai chuỗi sự kiện thúc đẩy TMĐT và tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday).
Hiện nay, việc xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong TMĐT là điều vô cùng cần thiết để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường TMĐT. Trong đó, giải pháp xây dựng hệ thống quản lý, giải quyết khiếu nại tranh chấp luôn được các DN TMĐT quan tâm hàng đầu.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS cho rằng, việc xử lý tranh chấp khiếu nại giữa người mua và người bán là điều phổ biến trong cả mua bán truyền thống và trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, quá trình xử lý khiếu nại thường chưa kịp thời và cơ chế giải quyết còn thiếu. Do đó, nền tảng "TrustON" sẽ là mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho cả người tiêu dùng, sàn TMĐT và các cơ quan quản lý.
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT 2020 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố, năm 2019 tốc độ tăng trưởng ngành TMĐT đạt trên 32%. Cả giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường TMĐT sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển “vũ bão” của hệ thống internet và nền tảng kinh tế số, TMĐT được coi là một nền kinh tế trên không gian mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được giám sát chặt chẽ, để đảm bảo được niềm tin cho người tiêu dùng và tính minh bạch uy tín trong kinh doanh số.
Cụ thể, tính đến tháng 7/2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt 16,3 tỷ đồng, hàng vi phạm có trị giá lên tới hơn 40 tỷ đồng vi phạm về TMĐT và lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả.
Chính vì vậy, nhằm đưa ra chiến lược mới phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện nay, góp phần thúc đẩy ngành TMĐT Việt Nam được phát triển bền vững, Bộ Công thương đã và đang xây dựng Dự thảo trình Chính phủ nhiều nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT, phát triển các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ TMĐT...
Trong đó, nội dung dự thảo hướng đến xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh cao nhằm hỗ trợ cho các DN kinh doanh ngày càng hiệu quả và tích cực, hạn chế loại bỏ những DN kinh doanh trá hình làm ảnh hưởng tới quy mô ngành TMĐT.
Ngoài ra, Bộ Công thương quan tâm đến việc “nới lỏng” các quy định, điều kiện để hỗ trợ các DN phát triển kinh doanh thuận lợi, nhưng quan trọng phải bảo vệ quyền lợi, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng và là nền tảng giúp ngành TMĐT phát triển ngày một bền vững hơn.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu của kế hoạch đề ra nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Với kỳ vọng đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Asean, việc phát triển nền tảng công nghệ để bước vào kỷ nguyên thời đại của nền kinh tế số, trong đó phát triển TMĐT là định hướng tất yếu. |