Thủy sản nhộn nhịp đầu tư mới
Doanh nghiệp thủy sản lạc quan vào cuối năm | |
Ngành thủy sản vượt “bão Covid-19” |
Ảnh minh họa |
Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vào giữa tháng 9/2020 cho thấy, ngay sau khi tỉnh Bạc Liêu phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm công nghiệp nuôi tôm quy mô lớn với số vốn dự kiến 3.000 tỷ đồng và kỳ vọng đạt công suất chế biến 160.000 tấn/năm vào năm 2025, các tỉnh, thành khác cũng lần lượt công bố những dự án đầu tư không hề kém cạnh.
Tại Kiên Giang, Sở NN&PTNT đã phối hợp với một số tập đoàn thủy sản lớn trên địa bàn thúc đẩy hoạt động nuôi thủy sản xa bờ sử dụng công nghệ mới. Theo đó, địa phương đã thống nhất sẽ đầu tư 43.000 tỷ đồng và tạo ra các điều kiện tối ưu về chính sách để Tập đoàn Minh Phú đầu tư giai đoạn 2 vào các khu vực nuôi tại Minh Phú Lộc An và Minh Phú Kiên Giang.
Tại Tiền Giang và Cà Mau tình hình cũng diễn ra tương tự. Phía Tiền Giang đã thống nhất chủ trương đầu tư 1.000 tỷ đồng để phát triển khu nuôi thủy sản công nghệ cao tại huyện đảo Tân Phú Đông và đang kêu gọi DN tham gia. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Cà Mau, sau khi nhận 19,6 triệu USD vốn ưu đãi từ WB cũng đã dậm dịch xúc tiến DN địa phương đầu tư vào các dự án phát triển các vùng nuôi tôm sinh thái.
Ở phía từng tập đoàn tư nhân riêng lẻ, hoạt động đầu tư cũng được ghi nhận là rất sôi động đến những tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua mặc dù gặp khó trong hoạt động xuất khẩu nhưng CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) đã chi ra 180,4 tỷ đồng thành lập công ty con là Khang An Food để đầu tư mạnh vào hệ thống kho lạnh. Một “đại gia” trong ngành khác là Thủy sản Vĩnh Hoàn cũng bỏ ra trên 600 tỷ đồng đầu tư 3 dự án trại cá giống, mở rộng dây chuyền nhà máy Vĩnh Hoàn collagen và xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá. Thậm chí, Tập đoàn Navico mới đây còn mạnh dạn đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng để gấp rút hoàn thiện dự án khu nuôi Bình Phú tại An Giang. Dự án này dự kiến sẽ giúp Navico tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm.
Đánh giá về sự nhộn nhịp trong hoạt động đầu tư mới vào các vùng nuôi và nhà máy chế biến thủy sản trong giai đoạn hiện nay, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, rất có thể đây sẽ là một làn sóng mới sau giai đoạn dịch bệnh đối với ngành thủy sản. Bởi hiện nay hầu hết các quốc gia sản xuất thủy sản lớn trên thế giới vẫn đang kẹt vì Covid-19, trong khi Việt Nam phục hồi sớm hơn các nước này. Vì vậy lúc này đầu tư mở rộng quy mô vùng nuôi và tăng năng lực các nhà máy chế biến sẽ tranh thủ giữ và phát triển được thị phần”, ông Hòe nói.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích đầu tư tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhìn nhận rằng, ngành thủy sản sẽ là một trong những ngành phục hồi nhanh nhất sau những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covi-19. Trong cả năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước có thể đạt 8,26-8,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của KBSV, khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu trong trung và dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng cũng như thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy hoạt động mở rộng đầu tư vào nuôi trồng, cải thiện năng suất cũng như kiểm soát tính bền vững và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản trong thời điểm hiện nay sẽ là những lợi thế để các địa phương và DN cạnh tranh.
Ngoài ra, trong khoảng 3-5 năm tới, KBSV cho rằng ngành thủy sản Việt Nam sẽ bước vào một chu kỳ mới bền vững hơn so với chu kỳ trước đây. Các DN sẽ dịch chuyển đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm chế biến và giá trị gia tăng. Do đó làn sóng đầu tư hàng loạt các nhà máy chế biến và các vùng nuôi trồng công nghệ cao khép kín là hoàn toàn phù hợp với xu hướng và tiềm năng phát triển của thị trường.