Tín dụng chính sách - điểm sáng ở vùng cao Văn Chấn
Tín dụng chính sách tạo đà giúp Ninh Thuận giảm nghèo bền vững | |
Sức sống mới nơi non nước xứ Mường | |
Sức xuân mới trên miền quê Phố Hiến |
Văn Chấn là huyện miền núi phía tây của tỉnh Yên Bái với 24 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã thuộc vùng khó khăn. Toàn huyện có trên 31 nghìn hộ phân bố không đều, với 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 62,6%, trình độ dân trí ở những vùng sâu, vùng xa còn thấp. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó thì tín dụng chính sách xã hội được xem như trợ lực quý báu giúp người dân vươn lên trong sản xuất, kinh doanh hướng đến giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.
Là xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cách đây hơn một năm, nên đường vào Đồng Khê rất rộng, uốn lượn quanh những thửa ruộng, quả đồi tạo thành bức tranh đặc trưng của vùng cao. Xen giữa những sườn đồi là nhiều ngôi nhà sàn được xây khá đẹp của đồng bào người Tày. Những ngôi nhà, vườn cây, ao cá của người dân xã Đồng Khê được tạo dựng bởi sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Ông Hoàng Minh Thư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Khê cho biết, toàn xã có 1525 hộ, với 6.200 nhân khẩu, dư nợ vay NHCSXH khoảng trên 20 tỷ đồng. Phần lớn bà con vay vốn về chăn nuôi, trồng chè, trồng rừng khá hiệu quả. "Xã Đồng Khê chúng tôi có khá nhiều hộ nông dân điển hình được nhiều nơi khác đến thăm và học hỏi", nói rồi ông mời chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình ông Sa Đại Tương, thôn Gốc Báng.
Nguồn vốn NHCSXH giúp gia đình ông Sa Đại Tương sản xuất, chăn nuôi hiệu quả |
Ông Tương kể: Năm 2016 gia đình được vay vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH 20 triệu đồng để mua trâu nái. Sau đó, ông đã nhân giống lên đàn trâu gần chục con. Nguồn vốn cứ lớn dần khi ông Tương bán trâu để đầu tư vào trồng rừng và đào ao thả cá. Sau khi thoát nghèo, gia đình ông tiếp tục được NHCSXH cho vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất, chăn nuôi.
Hiện nay gia đình ông Tương có tài sản là 5 con trâu, 1 ha cây bồ đề, hàng trăm con vịt, ngan và trên 1.000 con cá các loại, cho thu nhập mỗi năm gần 250 triệu đồng.
Gia đình ông Tương chỉ là một trong số gần 13 nghìn hộ đang vay vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn và sử dụng vốn vay hiệu quả. Tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt trên 500 tỷ đồng. Nợ quá hạn ở mức thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,03% trên tổng dư nợ.
Ông Đinh Công Thái - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn cho biết, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đạt được những kết quả tích nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp đảng ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, hàng năm, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện đã xây dựng chương trình phối hợp để triển khai nhiệm vụ.
Năm 2021 vừa qua, Phòng giao dịch đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 22 lớp tập huấn nghiệp vụ cho trên 1.000 lượt cán bộ là Ban xóa đói giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn, bản, Ban quản lý Tổ TK&VV. Nội dung tập huấn bám sát vào Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của NHCSXH để nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý của UBND, chủ tịch UBND xã, năng lực công tác ủy thác cho vay của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý Tổ TK&VV và sự vào cuộc của hệ thống trưởng thôn, bản.
Bên cạnh đó, theo ông Thái, Phòng giao dịch cũng phối hợp với UBND xã, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến với nhân dân, nội dung bám sát vào các nhiệm vụ trong hợp đồng ủy thác, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của NHCSXH, kế hoạch được giao, quyền lợi nghĩa vụ của người vay, quy trình vay vốn. Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức của người vay đã được nâng lên rõ rệt trong việc vay vốn, sử dụng vốn và thực hiện các nghĩa vụ khi vay. Chính điều đó đã giúp cho tín dụng chính sách xã hội trở thành một điểm sáng trong công tác an sinh xã hội của huyện Văn Chấn.