Tín dụng chính sách xã hội: Tiếp sức phát triển kinh tế vùng ven biển
Lan tỏa mô hình hiệu quả
Về Nam Định vào đúng thời điểm các cấp, các ngành đang đẩy mạnh thực hiện các công việc được giao để hoàn thành nhiệm vụ của một năm có nhiều khó khăn, thách thức với mong muốn đạt được kết quả tích cực nhất. Ở góc độ ngân hàng cho vay vốn ưu đãi khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến người dân thì công tác giải ngân, cho vay của NHCSXH tỉnh Nam Định càng được đẩy mạnh hơn, giúp người dân có vốn lãi suất ưu đãi, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định, triển khai thực hiện các chỉ đạo của cấp trên, với mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn tín dụng chính sách, đến nay về cơ bản các nhiệm vụ của chi nhánh đã đạt mục tiêu đề ra. Năm 2020, NHCSXH tỉnh Nam Định đã giải ngân cho gần 1 nghìn hộ nghèo, trên 6 nghìn hộ cận nghèo, gần 4 nghìn hộ mới thoát nghèo và gần 20 nghìn đối tượng chính sách khác có vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, giúp cho gần 2 nghìn hộ thoát nghèo; 4 nghìn hộ thoát cận nghèo; 3 nghìn HSSV được vay vốn có điều kiện tiếp tục theo học; tạo việc làm cho trên 1 nghìn lao động; xây dựng gần 40 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh; 32 căn nhà cho hộ nghèo, 70 căn nhà cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của tỉnh.
Đến nay, 215 Điểm giao dịch xã tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng và hiệu quả, cùng với mạng lưới Tổ TK&VV đã thực hiện tốt phương châm “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận tín dụng chính sách của Chính phủ, giao dịch với NHCSXH ngay tại địa bàn xã theo lịch cố định hàng tháng, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội.
Ông Đoàn Ngọc Chánh, xóm 16, xã Giao Long chia sẻ về mô hình nuôi cá, tôm với cán bộ NHCSXH huyện Giao Thủy |
Trong cái se lạnh đầu đông, men theo con đường đê ven biển, chúng tôi về xã Giao Long - một trong những nơi đang khai thác khá tốt nguồn lợi thủy hải sản của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đặc biệt, gần đây với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn NHCSXH đã tạo điều kiện cho người dân khai thác hiệu quả hơn ở khu vực đầm phá, bãi ngang ven biển, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến đầu xã Giao Long hỏi hộ ông Đoàn Ngọc Chánh hầu như ai cũng biết, bởi không chỉ là xóm trưởng mà ông Chánh còn là Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm 16 năng nổ, luôn hết lòng vì các tổ viên vay vốn, bản thân gia đình ông cũng vay vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư vào nuôi cá, tôm.
Ông Chánh kể: Hồi năm 2018, sau khi dồn hết tiền đầu tư cải tạo đầm ao, trong lúc khó khăn ông được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư con giống và thức ăn. Với hơn 10 nghìn m2 mặt nước nuôi cá và tôm, trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Mô hình của ông Chánh đã lan tỏa tới các thành viên trong tổ. Do vậy, đến nay trong Tổ TK&VV xóm 16 đã có những hộ được NHCSXH cho vay tới 90 triệu đồng, tăng cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
"Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH luôn tiếp thêm động lực cho người dân vùng ven biển như chúng tôi. Nhờ có nguồn vốn này, bà con mạnh dạn hơn trong sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, nguồn vốn được ví như "sợi dây" giúp các tổ viên gắn kết tình làng nghĩa xóm, hỗ trợ, trao đổi kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả rõ rệt", ông Chánh chia sẻ.
Theo ông Lưu Văn Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Giao Thủy, với tinh thần phục vụ người dân tốt nhất, NHCSXH huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV tập trung giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo mục tiêu kế hoạch được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. NHCSXH cũng tích cực tham mưu và giúp việc cho Ban đại diện HĐQT huyện thực hiện chương trình kiểm tra giám sát theo kế hoạch đề ra. Chú trọng tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ xa, kiểm tra giám sát và kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Với những nỗ lực trên, đến nay toàn huyện đang có 12.048 hộ vay vốn, dư nợ đạt trên 364 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động cho vay, công tác huy động vốn cũng được đẩy mạnh. Thực hiện Nghị quyết liên tịch về huy động tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, các Hội đoàn thể đã tích cực chỉ đạo hội cơ sở, Tổ TK&VV tuyên truyền vận động giúp cho việc huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay có 393/393 tổ (chiếm 100% số tổ), với 12.504 tổ viên tham gia gửi tiền qua tổ, số dư huy động đạt trên 15,5 tỷ đồng.
Củng cố Tổ TK&VV được coi là nòng cốt trong hoạt động tín dụng chính sách, vì vậy NHCSXH thường xuyên phối hợp với các Hội đoàn thể rà soát, sáp nhập các tổ có số thành viên thấp để nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới tổ. Hàng tháng chấm điểm, đánh giá chất lượng hoạt động ủy nhiệm của Tổ TK&VV thông báo cho Hội đoàn thể nhận ủy thác để có biện pháp củng cố, kiện toàn. Kết quả đánh giá hoạt động của Tổ TK&VV tại thời điểm 30/11/2020 có 369 tổ tốt (chiếm tỷ lệ 93,86%), chỉ còn 20 tổ khá, 4 tổ trung bình.
Đảm bảo các hộ đủ điều kiện đều được vay vốn
Nhìn rộng ra toàn tỉnh Nam Định, việc thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV, đến nay với số tổ có chất lượng hoạt động tốt, khá chiếm 98,26% tổng số Tổ TK&VV trên địa bàn. Với vai trò là “cánh tay nối dài” chuyển tải vốn vay đến với hộ vay, các Tổ TK&VV hoạt động tốt sẽ giúp nguồn vốn đến được nhiều hơn với người vay và đúng đối tượng thụ hưởng.
Dư nợ tín dụng chính sách xã hội toàn tỉnh Nam Định đến cuối tháng 11/2020 đạt 3.204,8 tỷ đồng, với 100.097 hộ gia đình vay vốn, so với đầu năm tăng 155,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình cho vay: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 141,8 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo tăng 76,4 tỷ đồng, hộ cận nghèo tăng 47,4 tỷ đồng, nhà ở xã hội tăng 20,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm tăng 7,5 tỷ đồng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới, NHCSXH Nam Định tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo 100% đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách, đồng thời nâng mức cho vay đáp ứng vốn phù hợp với quy mô, mô hình sản xuất kinh doanh để hộ vay đầu tư đạt hiệu quả.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, hoạt động tại Điểm giao dịch xã, thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.