Xây dựng Co-opBank đủ lớn để hỗ trợ hệ thống QTDND
Co-opBank tăng cường tính liên kết và hỗ trợ hoạt động QTDND Co-opBank: Hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, ổn định |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Ngân hàng của hệ thống QTDND
Theo Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Co-opBank vừa diễn ra, với vai trò liên kết bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống QTDND, Co-opBank đã làm tốt công tác điều hòa vốn, tăng cường hoạt động cho vay, hoạt động nhận điều hòa vốn, hỗ trợ thành viên sử dụng dòng tiền linh hoạt và hiệu quả.
Cụ thể, Co-opBank luôn dành những “ưu ái” lớn nhất cho QTDND như kịp thời đáp ứng nguồn vốn để QTDND cho vay mở rộng tín dụng đối với thành viên; hỗ trợ nguồn vốn kịp thời cho các QTDND gặp khó khăn trong việc chi trả tiền gửi cho khách hàng gửi tiền để giúp các QTDND khôi phục trở lại hoạt động bình thường; lãi suất cho vay mở rộng tín dụng luôn thấp hơn lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân. Riêng năm 2024, lãi suất cho vay của Co-opBank đối với QTDND giảm bình quân 1,4%/năm. Tính đến 16/12/2024, dư nợ cho vay các QTDND là 2.433 tỷ đồng, tăng 52,81%.
Trong xu thế các QTDND ngày càng chủ động được vốn cho vay, cùng đặc thù nguồn vốn nhận điều hòa từ QTDND thường không ổn định do tính mùa vụ như năm 2024, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Co-opBank thời điểm cao nhất đạt hơn 33.600 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn. Song, Co-opBank luôn ưu tiên hấp thụ hết phần vốn dư thừa của QTDND; đồng thời thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất với huy động tiền gửi có kỳ hạn đối với QTDND luôn cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm.
Tính đến 16/12/2024, tổng nguồn vốn của Co-opBank đạt 61.840 tỷ đồng, tăng 8,50% so với 31/12/2023, trong đó tiền gửi điều hòa từ các QTDND là 46.678 tỷ đồng, tăng 7,78%.
Đặc biệt, trong những năm qua, Co-opBank đã tập trung đầu tư nghiên cứu, triển khai và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số để hỗ trợ hệ thống QTDND nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thành viên. Đến nay, đã có 948/1.181 QTDND tham gia vào mạng lưới thanh toán của Co-opBank. Chính sách chia sẻ doanh thu và trả phí tư vấn thành viên và người dân cho các QTDND tham gia triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại của Co-opBank đã góp phần làm tăng nguồn thu cho QTDND.
Trong năm 2024, Co-opBank đã hoàn thành kế hoạch kiểm tra đối với 55 QTDND theo kế hoạch được Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng giao. Đồng thời, Co-opBank thực hiện giám sát tình hình hoạt động của QTDND thông qua hệ thống quản lý thông tin báo cáo của QTDND và qua kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ của Co-opBank. Đối với các QTDND không đảm bảo chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN, Co-opBank có văn bản tư vấn cho QTDND để thực hiện đúng quy định...
Hướng tới “ngân hàng đa năng, hiện đại”
Song hành cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, trong những năm qua, Co-opBank đã tập trung nâng cao năng lực hoạt động thông qua việc đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển năng lực cho tất cả cán bộ trong hệ thống. Riêng năm 2024, Co-opBank đã thực hiện đào tạo trực tuyến cho hơn 12.000 lượt cán bộ chi nhánh về các nghiệp vụ như tín dụng, kế toán ngân quỹ, thu hồi nợ xấu, thanh toán chuyển tiền, ngân hàng số, an toàn thông tin…; đồng thời phối hợp với một số đơn vị đào tạo uy tín để triển khai các chương trình đào tạo trực tiếp cho một số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo.
Công tác tái cơ cấu bộ máy tổ chức được Co-opBank triển khai thận trọng với lộ trình phù hợp, không làm xáo trộn và bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo mọi hoạt động được bình thường, ổn định, thông suốt. Năm 2024, Co-opBank thành lập Ban Thư ký - Đối ngoại và Truyền thông - Thương hiệu; Ban Pháp chế và Kiểm soát tuân thủ; Ban Đảng Đoàn; kiện toàn và đổi tên Khối Nhân sự thành Khối Nhân sự và Đào tạo.
Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Co-opbank, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong kết quả chung của ngành Ngân hàng luôn có sự đóng góp của Co-opBank.
“Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả Co-opBank đã đạt được trong năm 2024”, Phó Thống đốc phát biểu và kỳ vọng những thành quả này sẽ tạo đà phát triển mới cho Co-opBank.
Đồng tình với 10 nhiệm vụ mà Co-opBank đặt ra trong năm 2025, Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Co-opbank cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu các văn bản, hướng dẫn về mô hình tín dụng hợp tác xã, đặc biệt là Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và các thông tư, văn bản khác để tuyên truyền không chỉ trong Co-opBank mà cả hệ thống QTDND để thực hiện cho đúng, cho tốt.
Về phía Co-opBank, cần tiếp tục triển khai, ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Co-opBank dựa trên hướng dẫn của NHNN; đồng thời, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính trên tinh thần quyết liệt hơn năm 2024 để sang năm 2025, Co-opBank có thu nhập cao hơn và hoạt động an toàn cao hơn; làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục khẳng định vai trò là ngân hàng đầu mối liên kết hệ thống QTDND.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu Co-opBank tiếp tục thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Trong đó, tăng vốn điều lệ cần được xem là một nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng lực hỗ trợ hệ thống.
Mặc dù không đặt nặng mục tiêu hoạt động vì lợi nhuận, song Phó Thống đốc cũng chỉ đạo Co-opBank cần triển khai các giải pháp tăng tưởng tín dụng để bù đắp thu - chi, đảm bảo hoạt động của Co-opBank, vừa gia tăng quy mô, năng lực tài chính hỗ trợ hệ thống; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2025 là một thời khắc lịch sử liên quan đến vận hội của ngành Ngân hàng cũng như Co-opbank, khi đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần phải hoàn thành, tạo tiền đề để nước ta bước vào kỷ nguyên mới; năm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV; có nhiều ngày kỷ niệm trong đại của đất nước… Những sự kiện lớn này đặt ra cả trách nhiệm và nhìn nhận về nhiệm vụ tương lai của ngành Ngân hàng cũng như Co-op Bank, phải làm gì để góp phần đạt mục tiêu mà Đảng đặt ra tại thời điểm 100 năm độc lập.
Đặc biệt sau 35 năm triển khai mô hình tín dụng hợp tác xã và 30 năm phát triển của Co-opBank, Phó Thống đốc cho rằng, đã đến lúc phải đánh giá, tổng kết và nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của mô hình QTDND và Co-opBank, đề thấy rõ sự cần thiết và các tiền để phát triển, nhận định rõ các nguy cơ, từ đó xác định hướng đi.
“Hệ thống QTDND và Co-opBank không thể giậm chân tại chỗ, mà cần chạy đua cùng với toàn Ngành và sự phát triển của của nền kinh tế”, Phó Thống đốc nói và giao nhiệm vụ cho Co-opBank ngay sau khi bước vào năm mới cần phối hợp cùng các đơn vị đầu mối để tổng kết, đánh giá thấu đáo mô hình hoạt động của QTDND cũng như vai trò Co-opBank, từ đó đề xuất đường, hướng phát triển phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo Co-opBank phải đủ lớn, thậm chí tương đương với mô hình một NHTM để hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Chủ tịch HĐQT Co-opBank Nguyễn Quốc Cường cho biết, trong năm 2024, Co-opBank đã quyết liệt tái cơ cấu, tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra những thay đổi mang tính căn bản. Tuy nhiên, để có thể trở thành một ngân hàng đa năng, hiện đại, vững mạnh, xứng đáng với vai trò là “Ngân hàng của các QTDND”, những nỗ lực đã qua vẫn chưa đủ, cần có sự quyết liệt, đồng lòng cao hơn nữa của cán bộ Co-opBank từ trung ương đến các chi nhánh. Ông cũng cho biết sẽ đưa các chỉ đạo của Phó Thống đốc Đào Minh Tú vào kế hoạch hành động của Co-opBank trong năm 2025 và những năm tới.