Đào tạo nghề: Đặt trọng xã hội hóa
Năm 2030, gần 6 triệu người có nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp | |
78 triệu USD cải thiện chất lượng đào tạo nghề | |
Đào tạo nghệ thuật theo đơn đặt hàng |
Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ và tri thức nhân loại, trước yêu cầu của việc hội nhập sâu rộng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, công tác GDNN nước ta đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện, đổi mới từ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến năng lực, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ảnh minh họa |
Ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kỳ vọng, thông qua Hội thảo Giáo dục 2019, Ban tổ chức sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, bộ ban ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo GDNN… góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh mối liên kết giữa công tác GDNN với nhà trường, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp trong GDNN, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, doanh nghiệp không chỉ là đối tượng sử dụng lao động mà doanh nghiệp còn chính là nơi đào tạo. Theo Luật GDNN hiện hành, việc đào tạo cấp bằng trung cấp, cao đẳng chỉ là một phần nổi của hệ thống GDNN, còn phần đào tạo cấp chứng chỉ, kỹ năng, đào tạo lại cho người lao động mới là điều quan trọng, thời gian tới sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TB&XH.
Hiện nay, chất lượng và số lượng nhân lực đào tạo từ giáo dục nghề nghiệp chiếm tới 70% trong tổng số nhân lực của Việt Nam. Nếu không phát triển và nâng cao trình độ của GDNN rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Từ thực tế đó, các cơ sở giáo dục đào tạo bắt buộc phải dạy cái mà doanh nghiệp đang làm, đang cần. Ngược lại, doanh nghiệp muốn có lao động thì phải hợp tác với trường và tự làm đào tạo. Do đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Nói về mối liên kết này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, khi nền kinh tế càng hội nhập, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp đang trở thành một trong những yêu cầu bức thiết, tiên quyết. Đào tạo lao động chất lượng cao là trách nhiệm của các cơ sở GDNN và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp trở thành nhà đầu tư, người định hướng nền GDNN, tham gia vào quá trình soạn thảo chương trình, tạo cơ sở để sinh viên đến thực tập.
Và ông Lộc không quên nhắc tới vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cấp chứng chỉ xác nhận trình độ nghề nghiệp của học viên, là nơi tiếp nhân đầu ra của GDNN. Đồng nghĩa, doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ GDNN nên càng phải có trách nhiệm, chung tay với Nhà nước, trường nghề.
Hiện cả nước có 1.954 cơ sở GDNN, trong đó, 397 trường cao đẳng, hơn 600 cơ sở GDNN cấp huyện. Số trường tư trong lĩnh vực GDNN khoảng 100 đơn vị nhưng lại hoạt động khá hiệu quả. Nên theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, xã hội hóa, đẩy mạnh đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho người lao động được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN.
Vấn đề này cũng được đề cập trong Tờ trình chính phủ về quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2020. Cụ thể, dự kiến đến năm 2021, quy mô tuyển sinh cả nước sẽ đạt 2,6 triệu thí sinh mỗi năm, ít nhất 80% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Song song với đó, sẽ giảm tới ¼ số đầu mối cơ sở GDNN so với hiện tại, giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%. Đến năm 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu thí sinh mỗi năm, ít nhất 85% người học có việc làm, năng suất và thu nhập cao hơn sau đào tạo. Tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, Thứ trưởng Lê Quân bật mí.