Tín dụng ưu đãi: Động lực thoát nghèo nơi rẻo cao
Tín dụng ưu đãi “chắp cánh” cho những khát vọng | |
Tín dụng ưu đãi: Trao cơ hội đổi đời cho hộ nghèo |
Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La luôn chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội và xem đây là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Hiện nay, NHCSXH Chi nhánh Sơn La đang tổ chức thực hiện 17 chương trình tín dụng với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 4.667 tỷ đồng, tăng 3.320 tỷ đồng so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%, với trên 372 nghìn lượt khách hàng được vay vốn (trong đó trên 295 nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn) và trên 128 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Anh Hoàng Văn Quyết (thứ ba từ phải sang) chia sẻ về mô hình trồng bưởi và trồng nhãn với cán bộ ngân hàng và hội đoàn thể |
Tại bản Mo, xã Chiềng Sàng - nơi có tới 100% người dân là đồng bào Thái nhưng nguồn vốn tín dụng ưu đãi được các hộ vay sử dụng rất hiệu quả. Đơn cử như gia đình anh Hoàng Văn Quyết, chị Lò Thị Liên mới ngoài 20 tuổi đã xây được nhà mái bằng, khang trang khiến không ít người phải ngạc nhiên. “Ngôi nhà này tôi mới xây hết hơn 300 triệu đồng sau 3 năm thu được từ mô hình trồng cây ăn quả”, anh Quyết chia sẻ. Tuy nhiên, để có được sự thành công như ngày nay, không thể không kể đến sự tiếp sức từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Năm 2017, gia đình anh chị được NHCSXH huyện Yên Châu cho vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển trồng cây ăn trái trên diện tích 7.000 mét vuông. Sau 3 năm, không những trả đầy đủ vốn và lãi cho ngân hàng mà gia đình anh chị còn thoát nghèo, vươn lên. Vườn hoa quả của gia đình anh chị hiện có khoảng 100 gốc nhãn, 30 gốc bưởi, hơn 10 gốc vải thiều và trồng thêm mía. Mỗi năm trừ các chi phí cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng.
Theo NHCSXH Chi nhánh Sơn La, từ năm 2011 đến nay, thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tập trung cho vay các đối tượng như: cho vay 155.818 lượt hộ nghèo; 9.245 lượt hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 19.978 lượt khách hàng, tạo việc làm cho 26.177 lao động; 19.198 căn nhà được xây dựng; 6.101 học sinh sinh viên được vay vốn; 188 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 127.167 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng. Số hộ thoát nghèo là 75.800 hộ… Việc cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn có vai trò quan trọng đối với việc giữ gìn biên cương, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới Tổ quốc…
Lãnh đạo NHCSXH Chi nhánh Sơn La cho biết, để thực hiện tốt định hướng Chiến lược phát triển NHCSXH và đảm bảo nguồn vốn ưu đãi được sử dụng hiệu quả, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình và kế hoạch công tác của các cấp, các ngành.
Đồng thời, bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương, đáp ứng yêu cầu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; thực hiện đồng bộ Chương trình giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển nông nghiệp, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các dự án phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt quy trình rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định để làm cơ sở cho vay, đảm bảo các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi kịp thời. Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động vì người nghèo; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân huy động nhiều nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội, để thêm nhiều hộ được vay vốn sản xuất, kinh doanh hướng tới thoát nghèo bền vững.