Doanh nghiệp “níu chân” người lao động
Năm 2023, lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục Tham vọng không sát thực tế, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phút chót |
Dệt may là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm nhanh chóng trong năm 2023. Do có số lượng người lao động khá lớn nên khi đầu ra gặp khó khăn, để doanh nghiệp duy trì số lượng công nhân ổn định là rất khó. Chẳng hạn như, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đang hoạt động khá khó khăn vì khan hiếm đơn hàng. Riêng trong quý III/2023, doanh nghiệp này đã lỗ 12 tỷ đồng và quý IV vẫn không có dấu hiệu khởi sắc.
Một doanh nghiệp trong ngành sợi là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng cũng lỗ hơn 12,1 tỷ đồng trong quý III/2023, ghi nhận quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp. Đại diện công ty này chia sẻ, thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp là Trung Quốc gần như đóng băng, nên sản phẩm sản xuất ra không xuất khẩu được. Trong khi đó, thị trường trong nước cũng bị thu hẹp do cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp sản xuất cùng ngành. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu ngày một tăng, đẩy giá vốn hàng bán lên cao, còn giá bán thành phẩm giảm bởi sức ép cạnh tranh.
Các doanh nghiệp dệt may đang bước vào cuộc đua mới để giữ chân người lao động |
Trong bối cảnh lợi nhuận suy giảm và thậm chí thua lỗ, không ít doanh nghiệp đã không còn đủ lực để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp đang phải dùng Quỹ dự phòng để duy trì lương, giữ chân người lao động, nhưng nguồn quỹ cũng đang dần cạn kiệt. Không hiếm doanh nghiệp ngành dệt may đã phải nhận nhiều đơn hàng không có lợi nhuận để duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang cố gắng duy trì việc làm và tìm kiếm cơ hội mới để người lao động có thu nhập ổn định. Hiện tại, thị phần hàng dệt may Việt Nam được cải thiện tại thị trường Mỹ và Hàn Quốc; tại Nhật Bản tăng nhẹ lên 16,4%, từ mức 16,2; tại thị trường Trung Quốc vẫn giảm, nhưng xuất khẩu sợi đang cải thiện trở lại.
Nhờ đó, hoạt động sản xuất dệt may có diễn biến hồi phục trong thời gian gần đây, đặc biệt là mảng dệt. Chỉ số sản xuất công nghiệp của mảng dệt trong tháng cuối của năm 2023 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp mảng may mặc thu hẹp mức giảm còn -1,3%.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, năm 2023 đánh dấu một năm khó khăn khi doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng “giật gấu vá vai” đơn hàng. Dù vậy, thời điểm hiện tại đang chuyển dần sang trạng thái “đủ ăn, đủ mặc”. Các doanh nghiệp dệt may đang bước vào cuộc đua mới để giữ chân người lao động và có được những nhân công tay nghề cao, thiết kế tốt…
Bởi hiện nay, không chỉ giữ đơn hàng phổ thông, giá rẻ mà ngành dệt may cần hướng tới những đơn hàng may cao cấp, yêu cầu phức tạp từ các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ lợi thế năng lực sản xuất, quản lý tốt. Bên cạnh đó, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.
Cũng là ngành nghề có số lượng lao động lớn, chế biến thủy sản đang phải cố gắng duy trì lượng lao động ổn định khi nhiều thị trường truyền thống đang thu hẹp nhập khẩu các sản phẩm này. Mặc dù hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đã khởi sắc hơn, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng sử dụng nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, như nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, hỗ trợ đào tạo…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giai đoạn khó khăn hiện nay cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng tăng chất lượng. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành thủy sản, người lao động cần có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc. Cụ thể, ở khâu nuôi trồng thủy sản, người lao động cần có kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng, quản lý ao nuôi, kiểm soát dịch bệnh…; ở khâu khai thác thủy sản là kiến thức về kỹ thuật đánh bắt, bảo quản thủy sản; ở khâu chế biến thủy sản là kiến thức về kỹ thuật chế biến, đóng gói thủy sản; ở khâu xuất khẩu thủy sản là kiến thức về kinh doanh, marketing, xuất nhập khẩu…
Bên cạnh đó, trong “làn sóng” Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất để giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào lao động thủ công, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm... “Để đáp ứng nhu cầu về lao động chất lượng cao của ngành thủy sản trong tương lai, cần có sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và người lao động”, ông Lĩnh chia sẻ thêm.