Tổ chức tài chính vi mô: Chuyển đổi để phát triển an toàn, bền vững
Một trong những mục tiêu hướng tới được đặt ra tại “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là “Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”.
Việc chuyển đổi của các tổ chức tài chính vi mô là sự phát triển tất yếu |
Nhiều năm qua, hoạt động tài chính vi mô (TCVM) không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của đất nước. Theo PGS-TS. Trần Thị Thanh Tú (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tín dụng vi mô và tiếp cận tín dụng vi mô là điều kiện quan trọng quyết định khả năng nâng cao mức sống và thoát khỏi nghèo đói; đóng vai trò như một cơ chế quan trọng giúp vượt qua những cú sốc về thu nhập. Năm 2019, tỷ lệ nghèo bình quân ở Việt Nam chỉ còn dưới 4%, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng cao, tạo dựng tài sản, cải thiện sức khoẻ, giáo dục; nâng cao vai trò, vị thế của người thu nhập thấp trong gia đình và xã hội mặc dù nguồn vốn vay cho TCVM thực tế còn hạn chế.
Trao đổi với chuyên gia, vị này thừa nhận TCVM ở Việt Nam chưa thật sự phát triển tương xứng với tiềm năng. TCVM không chỉ đơn thuần là công cụ giảm nghèo, mà còn là một phần không thể thiếu của hệ thống tài chính. Bản thân các tổ chức TCVM Việt Nam vẫn còn có những hạn chế nội tại như quản trị điều hành chưa chuyên nghiệp, các chỉ số bền vững về hoạt động và năng lực tài chính của các tổ chức TCVM chưa cao. Hay các sản phẩm phi tài chính như tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính, bình đẳng giới, kiến thức về y tế, xã hội... cho khách hàng TCVM nói chung và phụ nữ nghèo nói riêng chưa được chú trọng.
Để TCVM có thể phát triển hiệu quả, phát huy được vai trò, thì một trong những yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện môi trường pháp lý, chính sách đồng bộ, phù hợp với đặc thù hoạt động TCVM. “Cần có các biện pháp và khuyến nghị với tổ chức TCVM, cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ quá trình chuyển đổi, góp phần tạo thêm hiệu ứng, khuyến khích các tổ chức TCVM chuyển đổi thành tổ chức được cấp phép và sớm có sự chủ động, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Việc chuyển đổi của các tổ chức TCVM là sự phát triển tất yếu theo xu hướng”, vị này chia sẻ.
Theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi Chính phủ có nội dung cụ thể về chuyển đổi dự án TCVM thành tổ chức TCVM. Theo đó, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước chuyển đổi chương trình, dự án TCVM thành tổ chức TCVM ở một trong các trường hợp: Tự nguyện chuyển đổi; có tổng tài sản từ 75 tỷ đồng trở lên; có tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô từ 50 tỷ đồng trở lên...
Dưới góc độ người làm công tác TCVM, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc điều hành, đại diện nhóm công tác TCVM Việt Nam (VMFWG) đề nghị, cần quan tâm và xác định khả năng chuyển đổi của tổ chức, sau đó mới có thể xây dựng kế hoạch chuyển đổi bao gồm các bước như: xác định mô hình chuyển đổi, xác định tư cách pháp lý của chủ sở hữu, lựa chọn đối tác góp vốn, chuẩn bị nguồn lực tài chính và nhân sự... Phải khẳng định rằng việc chuyển đổi, cấp phép không làm mất đi bản chất của TCVM, mà sẽ bảo đảm cho hoạt động TCVM tại Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, phát triển bền vững hơn.
Là một trong những tổ chức đã thực hiện chuyển đổi, đại diện tổ chức TCVM TNHH M7 (M7-MFI) đánh giá, nếu so với thách thức đặt ra thì ưu điểm và cơ hội là nhiều hơn cả. Theo đó, việc tái cơ cấu quản trị, thành lập uỷ ban kiểm soát theo quy định của NHNN giúp tổ chức nâng cao năng lực quản trị nội bộ; hệ thống quản lý cũng chuyên nghiệp hơn; tốc độ tăng trưởng dư nợ và tốc độ tăng trưởng tiết kiệm đều có những tín hiệu khả quan khi tăng qua các năm. Hiệu quả tài chính của M7-MFI giảm năm đầu sau khi chuyển đổi (ROA giảm 5%, ROE giảm 13%) và tăng lại vào các năm tiếp theo. Còn với Thanh Hoá MFI, sau khi chuyển đổi cũng ghi nhận nhân tố đầu tư mới từ khối tư nhân trong thành viên góp vốn, đa dạng hoá đối tượng và cơ cấu khách hàng. Đồng thời, việc chuyển đổi cũng giúp tổ chức cải tiến và xây dựng sản phẩm mới, từ đó duy trì được mức độ tăng trưởng, chất lượng danh mục cho vay, nâng cao hiệu quả tài chính...
Theo số liệu công bố của NHNN, Việt Nam hiện mới chỉ có bốn tổ chức TCVM chính thức được cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng - một con số vô cùng khiêm tốn so với nhu cầu tiếp cận tài chính của người dân thuộc nhóm đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện. Bên cạnh củng cố và mở rộng hoạt động của các tổ chức TCVM hiện tại, theo chuyên gia, cần phát triển các tổ chức mới theo hướng áp dụng công nghệ số (các công ty Fintech) để tác động mạnh hơn tới việc tăng độ bao phủ của tài chính toàn diện.
ThS. Đồng Thị Quỳnh Lê - Giám đốc Trung tâm Thanh toán VietinBank cho rằng, bên cạnh các tổ chức hoạt động theo hướng xã hội hoá, nên phát triển các tổ chức TCVM từ hình thức cổ phần hoá, tư nhân hoá hoạt động dựa trên nguyên tắc cân bằng giữa mục tiêu xã hội và mục tiêu lợi nhuận, đẩy nhanh quá trình bảo phủ của tài chính toàn diện qua việc nhân rộng quy mô số lượng các tổ chức TCVM.