TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực kết nối cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa |
Thực tế, qua các hội nghị kết nối, nhiều doanh nghiệp Việt đã có cơ hội tiếp cận, giới thiệu năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn cũng đã gia tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa của mình, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng chịu nhiều tác động bởi xu hướng thay đổi toàn cầu, đòi hỏi phải đa dạng hóa nguồn cung, ưu tiên nguồn cung ứng tại chỗ.
Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội nhựa cao su TP. Hồ Chí Minh cho rằng, với năng lực hiện nay, doanh nghiệp thuần Việt chỉ có thể là nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, rất khó trực tiếp cung cấp đến nhà sản xuất đầu cuối. Bởi nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không chỉ đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao nên các doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, xu hướng gần đây cho thấy, nhà sản xuất yêu cầu chuỗi cung cấp khép kín các cấu kiện, thay vì một số chi tiết riêng lẻ. Điều này, buộc các doanh nghiệp chủ động tìm đối tác có thể thực hiện các công đoạn, chi tiết trong cụm để có thể “bán chung”.
Đại diện Tập đoàn Nextern cho biết, đơn vị có 5 công ty và 3 trung tâm nghiên cứu sản phẩm tại Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam. Sau 5 năm có mặt tại Việt Nam, công ty đã đạt tỷ lệ nội địa hóa thu mua gần như toàn bộ sản phẩm vật tư thông dụng như chi tiết ép nhựa, cao su, gia công kim loại, đúc kim loại, lò xo... Riêng những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp hơn như màn hình tinh thể lỏng, pin lithium, robot, trang thiết bị hỗ trợ điều trị y tế, chăm sóc gia đình, sản phẩm liên quan đến kim loại quý... vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Phân tích thêm về công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Bá Tín, Giám đốc Công ty TNHH Nextern Việt Nam cho biết, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp cung ứng tại Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, để gia nhập vào chuỗi cung ứng của tập đoàn, nhất là chuỗi cung ứng thiết bị y tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe.
Theo các chuyên gia, hiện đang diễn ra xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu, trong đó Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn với nhiều lợi thế nhiều như chi phí lao động cạnh tranh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, tình hình chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi... Ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như nguồn nhân lực chất lượng cao, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, cần có sự nhập cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các cấp, ngành, cùng với nỗ lực của doanh nghiệp để hoàn thiện năng lực cung ứng, tiếp cận sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước những vấn đề nêu trên, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tập trung phát triển ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, liên kết vùng, chuyển đổi sản xuất theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng xanh, sạch, hướng tới phát triển bền vững; thúc đẩy những chính sách thu hút đầu tư mới, hướng tới khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình nhà máy sản xuất truyền thống sang nhà máy thông minh. Đồng thời, thành phố đã có chính sách hỗ trợ lãi vay lên đến 100% và mức vốn hỗ trợ lên đến 200 tỷ đồng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, chuyển sang sản xuất thông minh nhằm bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế hiện nay.
“Thành phố đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành phố sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất”, ông Hoan khẳng định.