TP. Hồ Chí Minh: Thu xếp, tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án metro
MAUR đưa ra kế hoạch tăng cường quản lý công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, thương thảo hợp đồng với các nhà thầu; ứng dụng công nghệ BIM trong công tác thiết kế, quản lý dự án từ khâu thiết kế, quản lý thi công xây dựng để kiểm soát chất lượng, tiến độ và chi phí thực hiện, hoàn thành dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương và công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Sau tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thu xếp nguồn vốn đầu tư các tuyến metro khác. |
Đối với các tuyến metro đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án (tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), tuyến số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành - Khu y tế kỹ thuật cao) và tuyến số 2, giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm), nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, tích cực làm việc với nhà tài trợ để đảm bảo nguồn vốn với lãi suất hợp lý; chủ động trong công tác phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư để sớm triển khai dự án.
Hiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên khối lượng thực hiện toàn dự án đạt trên 98%, thành phố dự kiến đưa vào vận hành dự án metro này trong năm 2024. Tuyến metro số 2 Bến Thành Tham Lương đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện. Các tuyến còn lại vẫn trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư, đề xuất dự án, thu xếp vốn... khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu phê duyệt trước năm 2025 để có thể khởi công, hoàn thành thêm 1 hoặc 2 tuyến trong giai đoạn 2026-2030.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các quy định pháp luật về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA đã có sự thay đổi liên tục, gây khó khăn trong việc áp dụng các quy định dẫn đến việc phải điều chỉnh hoặc thực hiện lại các thủ tục, mất nhiều thời gian và tốn kém.
Mặt khác, do thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, số vốn cam kết của các nhà tài trợ khó đảm bảo; việc tính toán chi phí đầu tư cho dự án rất khó khăn do có nhiều thay đổi, biến động và trượt giá dẫn đến tăng vốn dự kiến các bước thực hiện.
Song song đó, MAUR sẽ phối hợp Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện trình cấp thẩm quyền Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đô thị theo định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt là cơ sở pháp lý thực hiện các giải pháp, cơ chế mang tính đột phá nhằm triển khai đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh đã được hoạch định theo Quy hoạch 568/QĐ-TTg.