TP.HCM: Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Củng cố vi mô - tiếp sức cho doanh nghiệp | |
TP.HCM đã hỗ trợ hơn 592 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh | |
Tiếp tục hỗ trợ khách hàng trong dịch bệnh |
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong 7 tháng qua, ngành sản xuất hàng điện tử của thành phố có mức tăng trưởng tăng là 18,6% (so với cùng kỳ tăng 25,3%) do có thị trường tiêu thụ, đơn hàng sản xuất nhiều và ổn định. Nguyên nhân được cho là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu học tập và làm việc tại nhà tăng cao dẫn đến sức tiêu dùng các sản phẩm máy tính, dịch vụ internet được đẩy mạnh, tăng đến 200%-300%. Ngành hóa dược trong 7 tháng ước tăng 7,4% mà nguyên nhân là do nhu cầu về sản phẩm tẩy rửa vệ sinh như xà phòng, nước tẩy rửa, nước rửa tay... gia tăng để phòng chống dịch Covid-19. Các công ty như Công ty cổ phần Bột giặt Lix, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam… đã và đang gia tăng sản xuất các sản phẩm trên.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo Sở Công thương TP.HCM, ngành quan trọng là ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống lại giảm ước 4,5% (cùng kỳ tăng 1,2%) trong 7 tháng. Nguyên nhân là do chịu tác động mạnh của dịch bệnh và Nghị định số 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ trong 2 quý đầu năm 2020; riêng sản xuất đồ uống 7 tháng giảm 12,8% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Cũng như vậy, ngành cơ khí sản xuất công nghiệp trong 7 tháng ước giảm 16,0% (cùng kỳ tăng 8,8%). Nguyên nhân giảm chủ yếu do phân ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) ước giảm 24,5% (cùng kỳ tăng 11,8%); Sản xuất máy móc, thiết bị ước giảm 24,2% (cùng kỳ tăng 11,8%), chủ yếu giảm do sản xuất ngành dệt may, da giày đang khó khăn nên việc sản xuất máy cho ngành dệt, may và da giảm sâu.
Sau 7 tháng, chỉ số của 4 ngành công nghiệp trọng điểm TP.HCM ước giảm 0,9%, chính vì vậy, UBND TP.HCM gấp rút triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Cụ thể, UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chủ động rà soát các đối tượng thuộc ưu đãi theo Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ nhưng vẫn chưa nộp giấy đăng ký gia hạn nộp thuế để thực hiện đôn đốc nhắc nhở, đảm bảo các đối tượng đều được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện rà soát danh sách các hộ tạm ngừng kinh doanh để thẩm định và hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Thực hiện rà soát và điều chỉnh kịp thời mức thuế khoán đối với các hộ cá nhân tạm ngừng kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố.
Cục Thuế rà soát, lập danh sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số doanh nghiệp và tổ chức được ưu đãi là 255.904 doanh nghiệp và 43.778 cá nhân. Đối với hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, Cục Thuế thành phố đã nhận được 16.696 giấy đề nghị gia hạn với tổng số tiền gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất hơn 166 tỷ đồng.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng để thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tính đến ngày 6/7, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ cho 230.000 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 384.610 tỷ. Bảo hiểm xã hội TP.HCM hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, đã xử lý hồ sơ tạm hoãn vào quỹ hưu trí tử tuất cho 286 đơn vị với 27.252 lao động. Dự kiến số doanh nghiệp tạm hoãn là khoảng 2.000 đơn vị với 136.730 lao động. Tổng số doanh nghiệp gửi hồ sơ xác nhận hưởng chính sách hỗ trợ cho người lao động là 2.428 đơn vị, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận được 2.127 đơn vị với 53.852 lao động.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị xây dựng nhóm giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 (liên quan đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế thành phố, Bảo hiểm Xã hội thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM) giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại, phát triển và tránh phá sản; Xây dựng nhóm giải pháp mời gọi sự chung tay, tiếp sức của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của thành phố giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng các bên cùng có lợi trong hợp tác như: hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu mới, tìm thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề…
Lãnh đạo TP.HCM cũng kêu gọi nâng cao trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề trong giải pháp liên kết nội địa, tập trung khai thác thị trường trong nước. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục triển khai và kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí, các gói hỗ trợ, tư vấn giúp doanh nghiệp, hỗ trợ tiểu thương kỹ năng tiếp cận thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến. Tổ công tác sẽ là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với ngân hàng, cơ quan thuế; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để sử dụng sản phẩm của nhau; xúc tiến thương mại trực tuyến với các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam...
“Mặt khác, các cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị xây dựng nhóm giải pháp khuyến khích chuyển đổi số, kinh tế số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử. Thành phố cam kết có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới máy móc, thiết bị, số hóa dữ liệu... thông qua chương trình cho vay kích cầu của TP.HCM”, ông Liêm yêu cầu.