Trái cây Việt nên tận dụng thị trường gần
Để trái cây Việt vào siêu thị ngoại Từ vải thiều nghĩ đến thương hiệu trái cây Việt |
Theo các chuyên gia kinh tế, với khu vực ASEAN, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh (từ 7-15 ngày), giảm tối đa nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng rau quả. Đây cũng là thị trường rộng lớn, tự do, nhiều ưu đãi với thuế nhập khẩu chỉ 0% - 5%; đồng thời, yêu cầu không quá khắt khe. Chính vì vậy, trong các tháng đầu năm 2024 ngành rau quả đã mang về gần 1 tỷ USD, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước gần 73%. Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (tính đến hết tháng 2/2024), Thái Lan tăng trưởng rất cao, ở mức 125,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt kim ngạch 28,6 triệu USD, đưa nước này lên vị trí thứ 4 trong số các thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.
Trái cây Việt đang khẳng định chỗ đứng ngay tại các thị trường mạnh về loại hàng hoá này trong khu vực |
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sự tăng trưởng đột biến của thị trường Thái Lan là từ mặt hàng sầu riêng nghịch vụ. Tuy là quốc gia có thế mạnh về trồng sầu riêng, nhưng mùa sầu riêng tại Thái Lan chỉ kéo dài khoảng 4 tháng, nên nước này phải tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam để phục vụ du khách.
Thái Lan cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, hiện nay đã cho phép nhập khẩu 5 loại trái cây tươi từ Việt Nam và đang xem xét một số loại khác là chôm chôm, dừa, chanh leo…
Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng Phòng Đông Nam Á (ASEAN) và hợp tác khu vực thuộc Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đưa ra khuyến cáo chung, thị trường ASEAN là nơi có áp lực cạnh tranh gay gắt bởi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp khá tương đồng và cũng có nhiều rào cản thương mại, nếu chỉ tập trung vào việc xuất khẩu hoa quả tươi, sẽ có nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung vào chất lượng, giá cả và mẫu mã để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần ưu tiên phát triển các sản phẩm chế biến từ rau củ và xây dựng thương hiệu, mẫu mã bắt mắt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. “Mặt khác, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh liên kết với kênh phân phối cũng như đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại”, bà Mai Anh lưu ý.
Cũng như vậy, xuất khẩu trái cây vào thị trường Trung Quốc thời gian qua ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức tăng 57,2%, đạt kim ngạch 501,4 triệu USD. Phía Trung Quốc đồng ý mở cửa thị trường thêm cho một số loại trái cây chủ lực của Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và xem xét mở cửa cho một số loại khác. Là doanh nghiệp rất thành công tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho biết, thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng trái cây nhiệt đới. Đây là lợi thế của nông nghiệp Việt Nam.
“Chúng ta phải nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách chế biến, trữ đông, đóng hộp… nhằm dự trữ đến mùa Đông để tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc. Liệu chúng ta có thể thâm nhập sâu được vào thị trường để có được chỗ đứng bền vững hay không. Đó là những điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải phải cân nhắc và có chiến lược. Hơn thế, hiện nay thế giới ngày càng phẳng, sự kết nối giữa người tiêu dùng Trung Quốc với nhà sản xuất Việt Nam không còn nhiều rào cản nữa. Đây chính là điều thuận lợi hơn so với trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được với người tiêu dùng để hiểu rõ và làm ra những sản phẩm mà người Trung Quốc thực sự yêu mến và sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là cơ hội tiếp cận thành công tại thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp”, ông Viên nói.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn có hàng chục hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện để đàm phán mở cửa cho các sản phẩm rau, quả vào nhiều thị trường khác nhau. "Để khai thác hiệu quả dư địa thị trường, nhất là các thị trường khó tính, các doanh nghiệp cần có phương án tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành tốt với từng loại rau quả phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp cần tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo giám sát các mối nguy mất an toàn thực phẩm từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch và sơ chế. Song song với đó, phải xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn thương mại và chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp cần áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm rau quả," ông Hòa khuyến nghị.