Từ vải thiều nghĩ đến thương hiệu trái cây Việt
Sau khi lên kệ tại hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris, lô vải thiều Thanh Hà, Việt Nam gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 lần đầu nhập khẩu vào Pháp đã được tiêu thụ nhanh chóng. Điều đáng nói, trái vải thiều có giá lên tới 18 euro/kg, tương đương 485.000 đồng/kg, nhưng nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng bỏ ra vài chục đến cả trăm euro đề mua loại trái cây vỏ đỏ, ruột trắng thơm ngọt, mọng nước về thưởng thức và làm quà cho bạn bè. Vì vậy, một số doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu hơn so với dự kiến trước đó để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ nhập những lô tiếp theo ngay khi có thể.
Ảnh minh họa |
Tương tự, trước đó để hỗ trợ quả vải Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường Nhật Bản tiềm năng và khó tính, các cơ quan liên quan cũng đã tích cực đưa ra nhiều hình thức quảng bá sản phẩm này tới người tiêu dùng Nhật. Một điều đáng lưu ý, ngoài mẫu mã, chất lượng, khách hàng nước ngoài rất quan tâm tới tem truy xuất nguồn gốc từ quy trình nuôi trồng cho tới lịch sử thu hoạch, đóng gói và các chứng chỉ kiểm tra chất lượng, địa chỉ, điện thoại liên lạc.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), từ nhiều năm nay, thị trường nhập khẩu trái cây là các nước EU, Nhật, My luôn đề cao việc nắm rõ nguồn gốc của thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao sự cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối đối với người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có các sản phẩm thịt đã có những quy định bắt buộc về truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn”. Như vậy, trái cây nào đáp ứng tốt các điều kiện này mới có thể đi trước, đón đầu xu thế tiêu dùng mới, đó là xu thế tiêu dùng có trách nhiệm ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại nhận định, việc có tem truy xuất nguồn gốc có ý nghĩa như “tấm vé thông hành” đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định được chất lượng hàng Việt Nam, mà đồng thời còn thu hút nhu cầu của người tiêu dùng tại những quốc gia phát triển đối với sản phẩm chất lượng của Việt Nam.
Hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ trái cây Việt Nam tại nước ngoài, các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam thường xuyên tổ chức gian hàng quảng bá trái cây Việt tại Lễ hội ẩm thực, sự kiện quảng bá ẩm thực, văn hóa và hình ảnh Việt Nam tới đông đảo người dân các nước. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại một số nước đang tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các đầu mối nhập khẩu mới, tuyển chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu vào EU để kết nối nhiều hơn nữa các đơn hàng xuất khẩu nông sản nói chung và trái vải nói riêng của Việt Nam vào thị trường này, khai thác tối đa các lợi thế từ Hiệp định EVFTA mang lại đối với nhóm ngành nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể nói trường hợp trái vải thiều đến nay vẫn được coi như một ngoại lệ vì Việt Nam vốn có nhiều loại trái cây ngon có tiếng xưa nay như sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, măng cụt, xoài…, nhưng phần lớn đều chưa xây dựng được thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, cũng như chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, số lượng trái cây Việt được một số thị trường khó tính chấp nhận bán rộng rãi trong các hệ thống siêu thị có thể nói là “đếm trên đầu ngón tay”.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong nhiều năm qua, Việt Nam chưa thực sự xây dựng được thương hiệu cho các loại nông sản, trái cây Việt, mà mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng phát triển chỉ dẫn địa lý như một công cụ bảo hộ cho hàng nông sản. Chính vì vậy, đến nay mặc dù nhiều sản phẩm nông sản đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nằm trong câu lạc bộ xuất khẩu “tỷ USD” của Việt Nam như cà phê, gạo, hạt điều, chè, hồ tiêu, cao su, trái cây, thủy sản…, chất lượng hàng nông sản của nước ta không thua kém so với các nước nhưng giá trị xuất khẩu lại thấp hơn, đều có nguyên nhân chính là do chưa có thương hiệu.
Một số chuyên gia cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh, vươn tầm ra thị trường khu vực và quốc tế, Chính phủ cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Mặt khác, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội. Chỉ khi nào gắn kết hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích quốc gia thì sản phẩm, thương hiệu mới có sức sống và phát triển bền vững.